Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
349 người đã bình chọn
2007 người đang online

Lễ hội Bàn Bù – nơi lưu giữ không gian văn hóa Mường

Đăng ngày 16 - 04 - 2018
100%

(THO) - Lễ hội Bàn Bù – gắn với quần thể di tích hang Bàn Bù tại làng Ngán, xã Ngọc Khê bị thất truyền nhiều năm, gần đây được UBND huyện Ngọc Lặc phục dựng. Tại lễ hội, nhiều trò chơi, trò diễn dân gian của đồng bào Mường được biểu diễn, tạo nên nét đặc sắc mang đậm sắc thái văn hóa dân gian...

Màn hát sắc bùa của đồng bào Mường tại lệ hội Bàn Bù

Vào giữa tháng giêng năm Mậu Tuất 2018, Lễ hội văn hóa – du lịch Bàn Bù được tổ chức quy mô lớn nhất trong những năm gần đây. Hàng chục nghìn người khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh kéo về trẩy hội. Ngoài du khách thập phương, đa phần người đến dự hội là đồng bào Mường ở khắp các xã trên địa bàn huyện Ngọc Lặc. Theo nhiều người dân địa phương, lễ hội được coi là lớn nhất của huyện Ngọc Lặc có sức hút mãnh liệt bởi nó còn lưu giữ được nhiều trò diễn dân gian của người Mường bản địa đang đứng trước nguy cơ mai một. Đồng bào Mường muốn tìm lại hồn cốt, những giá trị văn hóa ngàn đời của cha ông mình nên tề tựu nêm kín cả một khu đồng và triền núi nơi làng Ngán.

Phần lễ được mở đầu bằng lễ rước nước mới được phục dựng sau nhiều năm thất truyền. Những gùi nước tinh khiết được lấy từ Giếng Tiên trong hang Bàn Bù, rước quanh làng bằng kiệu và phụng thờ tại các đền trong quần thể di tích. Dòng nước – chất lỏng vô tri nhưng qua lăng kính chủ quan của đồng bào Mường vùng núi, nước như có linh hồn, đáng được trân quý. Chị Bùi Thị Hòa, cán bộ văn hóa xã Ngọc Khê, cho biết: Từ ngàn đời, đồng bào Mường địa phương thường sống phân bổ trên các vùng núi nên nguồn nước vô cùng quý giá. Nước chính là nguồn sống bởi ngoài sinh hoạt hằng ngày, nó còn có vai trò quan trọng trong sản xuất lúa nước, nuôi sống đồng bào. Tục “thờ” nước đã ăn sâu vào tâm thức người dân, thể hiện ước vọng phồn thực, đủ đầy.

Sự trang nghiêm của lễ rước nước truyền thống còn vương vấn, thì những âm thanh rộn ràng của tiếng chiêng, tiếng trống đã vang vọng khắp cả một vùng núi rừng. Không chỉ những nghệ nhân, “nghệ sĩ làng” đang biểu diễn, người xem cũng được hòa mình vào màn múa Pồn pôông nổi tiếng của xứ Mường. Những lời hát từ tiếng Mường được Việt hóa, cùng với những màn nhảy múa, diễn xướng đặc trưng, gây ấn tượng khó quên. Pồn pôông là trò diễn dân gian đặc sắc của dân tộc Mường, không ai còn nhớ nó có từ khi nào, chỉ biết nó trường tồn cùng đồng bào Mường qua thăng trầm lịch sử.

Theo ông Bùi Hồng Nhi, nguyên Trưởng Phòng Văn hóa huyện Ngọc Lặc - người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Mường, cho biết: Trong tiếng Mường, “pồn” có nghĩa là chơi, là vờn, là nhảy múa. “Pôông” nghĩa là bông, là hoa. “Pồn pôông” theo tiếng Mường chính là hình thức vui chơi, nhảy múa xung quanh cây bông. Trò diễn dân gian này thường được tổ chức vào rằm tháng 3 và 7 âm lịch, các dịp lễ lớn của đồng bào, dịp cúng cơm mới... Theo quan niệm, đây là dịp để Ậu Máy (người chữa bệnh bằng thuốc Nam, núp dưới bóng Thánh, hay còn gọi là Ma nổ) tạ ơn các vua Ba Vì đã giúp làm nghề “cứu nhân độ thế”, lấy thuốc chữa bệnh cứu người qua khỏi ốm đau. Ngoài các nhân vật chính tổ chức lễ còn có sự tham gia của các nam thanh – nữ tú trong vùng đến dự nên “Pồn pôông” mang đậm nét văn hóa cộng đồng của người Mường xưa kia và nay trở thành điểm tụ văn hóa làng trong quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong trò diễn Pồn Pôông, lại gồm nhiều tiết mục diễn xướng xoay quanh cây bông, mô phỏng toàn bộ những phong tục tập quán, phương thức lao động sáng tạo, phản ánh đời sống tâm linh, văn hóa tinh thần của đồng bào Mường. Màn múa cây bông này gồm 48 trò diễn đặc sắc như trò chia đất, chia nước; dựng nhà săn đuổi thú dữ; trồng tỉa lương thực, chọi gà, chọi trâu, đấu vật, đánh cá; múa bông, bói bong; làm cơm mời Mường, uống rượu cần...

Cây bông, vật trung tâm trong trò diễn, được người Mường coi là biểu tượng của vũ trụ bao la, hội tụ đầy đủ vạn vật mà tạo hóa đã ban cho con người từ thuở hồng hoang. Trên cây bông bằng tre cao khoảng 3 m, treo 3, 7, 9 hay 12 tầng những chùm hoa đẽo bằng gỗ hoặc tre nứa, được nhuộm đủ màu sắc sặc sỡ bắt mắt. Đạo cụ biểu diễn là các mô hình muông thú, chim cá; nông cụ sản xuất như cày – bừa - cuốc – xẻng; những thành quả chế tác của con người, như vò rượu, cồng chiêng... Nhiều đạo cụ khác được mô phỏng quả còn, hòm vàng, hòm bạc... tượng trưng cho ấm no thịnh vượng. Dưới gốc cây bông, những đôi trai gái lúc thì múa hát, lúc soi gương chải đầu, lúc thổi sáo ôi. Nhạc cồng chiêng, tam bu nổi lên rộn rã. Người nghệ nhân trong vai bà Ậu Máy vừa đi vừa hát, vừa nhảy múa như thầy cúng; đồng thời, là người dẫn chuyện kể lại giai thoại sinh ra đất trời, lập bản Mường; thông báo với thần linh năm nay vụ mùa thắng lợi, làng mở hội mừng cơm mới thể hiện lòng biết ơn trời đất. Bà Ậu Máy kể bằng ngôn ngữ văn vần, như trong lễ diễn xướng dân gian vừa kể vừa nhảy múa. Mỗi khi kể đến giai thoại nào là các nam thanh - nữ tú biểu diễn các trò mô phỏng hoạt động đó. Có thể nói, pồn pôông đã trở thành trò diễn kết tinh những giá trị văn hóa của người Mường xứ Thanh nói chung.

Niềm vui chưa tan theo từng nhịp bước, du khách dự lễ hội lại được dẫn dắt vào màn hát sắc bùa (còn gọi là phường chúc) với màn múa hát và âm thanh của dàn chiêng vang vọng. Đây cũng là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của đồng bào Mường, được biểu diễn bởi một tập thể gồm các nghệ nhân dân gian ở các xã trong vùng, tự nguyện kết thành một đội (phường chúc). Trước đây, cứ mỗi độ tết đến, xuân về hay mừng nhà mới trong làng, trong Mường, phường chúc lại đến chúc mừng. Họ vừa đi theo hàng dọc, vừa đánh cồng vừa hát xường. Lời hát chúc do người đội trưởng của phường chúc, hát theo những làn điệu khác nhau. Tuy nhiên, với từng gia chủ, từng nội dung cuộc chúc khác nhau nên lời chúc được sáng tác cho phù hợp. Làn điệu cồng chiêng lúc đi đường, vào ngõ, lúc hát chúc, chào gia chủ ra về đều hoàn toàn khác nhau, thể hiện sự sáng tạo phong phú trong đời sống tinh thần của đồng bào Mường xưa.

Trong không gian lễ hội, khách thập phương và đồng bào bản địa được hòa mình vào niềm vui chung của trò chơi ném còn truyền thống. Không cần phải luyện tập trước, ai cũng có thể tham gia trò chơi và đưa mình trở thành người trong cuộc. Lễ hội Bàn Bù chỉ diễn ra trong 3 ngày, nhưng dư âm của nó còn vang mãi. Ai đã từng đặt chân lên vùng đất Ngọc xứ Thanh, một lần được hòa mình vào những lời ca điệu múa, những âm điệu của tiếng cồng chiêng rộn rã nơi đây, chắc hẳn vẫn sẽ mãi lưu luyến, vấn vương...

<

Tin mới nhất

Lễ kết nghĩa giữa Chi đoàn Cơ quan chính quyền huyện với Đoàn xã Vân Am (26/03/2024 9:43 SA)

Huyện Ngọc Lặc, tham gia Liên hoan văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao năm 2024, dành nhiều...(25/03/2024 9:32 SA)

Huyện đoàn Ngọc Lặc tổ chức Hội thao cầu lông, bóng bàn thanh niên mở rộng năm 2024(23/03/2024 9:14 SA)

Trường THCS Kiên Thọ chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục(18/03/2024 9:30 SA)

Xã Ngọc Sơn tổ chức Lễ phát động toàn dân luyện tập thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại gắn với...(18/03/2024 9:26 SA)

Tuyên truyền, thực hành, trải nghiệm PCCC và CNCH tại Trường Mầm non thị trấn Ngọc Lặc(15/03/2024 9:07 SA)

Ngọc Lặc nỗ lực xây dựng trường đạt chuẩn trong chiến lược phát triển giáo dục(13/03/2024 4:46 CH)

UBND xã Đồng Thịnh tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2024(13/03/2024 4:17 CH)

°