Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
349 người đã bình chọn
2131 người đang online

Sẻ chia câu chuyện giảm nghèo

Đăng ngày 23 - 04 - 2018
100%

(THO) - Những năm gần đây, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả khích lệ, số hộ nghèo và cận nghèo giảm rõ rệt theo từng năm, các hộ thoát nghèo có đời sống ổn định hơn. Đáng chú ý là các tiêu chí về hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh liên tục được điều chỉnh theo biểu đồ tích cực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò sinh sản.

Những nhân tố điển hình

Chưa bao giờ phong trào thoát nghèo, làm giàu lại được triển khai mạnh mẽ, rộng khắp như giai đoạn hiện nay. Không những ở thành phố, thị xã mà tại các thôn, bản trên địa bàn tỉnh, người dân đã nắm được các chủ trương của Đảng và chính sách Nhà nước trong công tác giảm nghèo, nhiều hộ dân đã bứt phá, nỗ lực vươn lên để thoát nghèo hiệu quả. Tiêu biểu như gia đình bà Đinh Thị Ngoan (59 tuổi), thôn Quang Thọ, xã Quang Trung (Ngọc Lặc) đã tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo từ cách đây 2 năm. Sau khi đặt quyết tâm, bà Ngoan vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội huyện chăn nuôi gà, lợn và làm 1,8 sào lúa. Bà Ngoan tâm sự: “Trước kia, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Dù biết rằng gia đình mình thuộc diện hộ nghèo thì được Nhà nước hỗ trợ nhiều thứ. Thế nhưng, khi tôi thấy nhiều gia đình trong làng còn khó khăn hơn mình, nên tôi tự nguyện xin rút khỏi danh sách hộ nghèo để khỏi trở thành gánh nặng cho làng, cho xã và nhường tiêu chuẩn nghèo cho những người còn khó khăn hơn mình”.
 
Cũng xuất phát từ nghị lực vươn lên, gia đình chị Lê Thị Hoa, thôn Bàn, xã Quang Hiến (Lang Chánh) đã biết tận dụng lợi thế của địa phương. Gia đình chị lựa chọn mô hình nuôi thỏ cung cấp cho người dân địa phương và các xã lân cận. Từ chăn nuôi, mỗi năm gia đình chị thu lãi gần 100 triệu đồng. Chị Hoa cho biết, trải qua cái nghèo mới thấy xuất phát điểm thấp chỉ là cản trở bước đầu nhưng nếu có ý chí và nỗ lực con đường thoát nghèo chẳng mấy chốc vượt qua. Nhờ hướng đi đúng đã giúp gia đình chị có kinh tế ổn định hơn. Do từng vật lộn trong cái nghèo nên ông Vi Đình Uốn, xã Thanh Quân (Như Xuân) luôn thấu hiểu và giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh của mình trước đây. Mặc dù sự đóng góp về vật chất không đáng kể nhưng tấm chân tình của những người bạn đồng hành này rất đáng trân trọng. Ông Uốn tâm sự: “Đâu ai muốn nghèo túng, bần cùng, nhưng do nhận thức còn hạn chế nên cái nghèo cứ đeo bám mãi. Ở đời còn gì ý nghĩa hơn việc lá lành đùm lá rách đâu chứ”.
Nói về kinh nghiệm trong công cuộc giảm nghèo, ông Vi Văn Quang, Phó Chủ tịch  UBND xã Quang Hiến (Lang Chánh) chia sẻ: “Muốn giúp họ nhanh chóng thoát nghèo, bước đầu chúng tôi sẽ tiến hành rà soát và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến cái nghèo của từng hộ. Sau đó tập trung hộ nghèo lại để nắm bắt nguyện vọng, tâm tư của từng người và tìm cách giúp đỡ. Thông thường thì khoảng 1 đến 2 đảng viên trực tiếp phụ trách 1 hộ nghèo, mỗi tháng đều họp mặt để đánh giá kết quả”. Ông Quang cho biết thêm, nhận thấy giải quyết việc làm là yếu tố quan trọng nhất để giúp bà con thoát nghèo nên địa phương chủ động liên kết với trung tâm giới thiệu việc làm và các công ty, doanh nghiệp định hướng, giúp người dân có việc làm để ổn định cuộc sống. Ngoài ra xã cũng kết hợp mở nhiều lớp dạy nghề tại địa phương.
Có thể thấy, ở đâu đảng ủy và chính quyền cơ sở sát cánh cùng người dân trong công cuộc giảm nghèo thì nơi đó bớt đi những mảnh đời cơ cực. Điều kiện vùng đô thị có nhiều việc làm tại chỗ, nếu có sự chung vai, dốc sức thì tin rằng sẽ không còn những trường hợp nghèo.
Tạo động lực để hộ nghèo vươn lên
Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, được đặt trong chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh cũng như ở các địa phương. Từ năm 2011 đến nay, từ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, toàn tỉnh đã và đang xây dựng, thực hiện được 339 dự án phát triển sản xuất, trong đó: Giai đoạn 2011-2017, đã xây dựng và thực hiện được 340 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, 37 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo. Ngoài ra, đã hỗ trợ phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề (tại các huyện nghèo, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn) cho trên 160.000 lượt hộ với tổng kinh phí từ ngân sách Nhà nước giai đoạn 2011-2017 khoảng 451.729 triệu đồng. Bên cạnh đó, để triển khai công tác giảm nghèo theo hướng đa chiều, tỉnh thực hiện các chính sách hỗ trợ về: Y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng, dạy nghề, tiền điện,... các chính sách nêu trên bước đầu đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện và động lực để hộ nghèo, hộ cận nghèo thay đổi tập quán sản xuất, từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật, làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển sản xuất và đã giúp trên 40.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2011-2015 và trên 10.000 hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2017 vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống. Với những chính sách ưu tiên hỗ trợ người nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 150.955 hộ (chiếm tỷ lệ 16,55%) năm 2012, xuống còn 81.758 hộ (chiếm 8,43%) cuối năm 2017.
 
Từ kết quả đáng mừng trên, tỉnh ta đã đề ra nhóm giải pháp chủ yếu, nhằm tiếp tục duy trì công tác giảm nghèo nhanh và bền vững. Trọng tâm là: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chương trình giảm nghèo, chương trình lao động việc làm, chú trọng nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả; nâng cao chất lượng giảm nghèo và giảm nghèo bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; triển khai có hiệu quả các dự án, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, quan tâm đẩy mạnh hỗ trợ, đầu tư đến các huyện, các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, đặc biệt khó khăn; tăng cường tập huấn, hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất, kế hoạch làm ăn cho hộ nghèo... Với chỉ tiêu đến năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức ngang bằng trung bình của khu vực.
Chỉ tiêu là vậy nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, để đạt mục tiêu trên không đơn giản với thực tế giảm nghèo vốn đã phức tạp, giảm nghèo bền vững còn phức tạp hơn. Bởi nhìn vào giai đoạn 2010-2015 cho thấy nguồn lực Nhà nước dành cho công tác giảm nghèo không ít nhưng số hộ thoát nghèo luôn đứng trước nguy cơ tái nghèo nếu thiếu đi sự trợ giúp của Nhà nước. Do đó, để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, không thể chạy theo thành tích về con số giảm nghèo mà phải tập trung giải quyết cho được cái gốc của vấn đề. Cần giúp người nghèo hiểu rằng, muốn thoát nghèo bền vững, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, họ phải vươn lên bằng nỗ lực, ý chí và sức lao động của bản thân, không thể mãi trông chờ vào chính sách và sự hỗ trợ của cộng đồng. Cùng với đó, cơ quan quản lý cần khắc phục tình trạng phân bổ kinh phí giảm nghèo dàn trải, giảm dần các chính sách cho không, tập trung hỗ trợ sản xuất để người nghèo vươn lên thoát nghèo.
Nói về động lực trong công tác giảm nghèo, theo ông Lê Minh Hành, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Muốn giảm nghèo bền vững thì giải pháp quan trọng nhất là phải tập trung phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, huy động được nguồn lực, sự tham gia và trao quyền cho cộng đồng, người nghèo tự quyết định. Nhà nước chỉ hỗ trợ về mặt chủ trương, chính sách phù hợp và hỗ trợ một phần nguồn lực, cho vay, cho mượn... “Người nghèo nuôi bò thì phải tự đi mua bò, họ nuôi lợn tự đi mua lợn, chúng ta không mua bò, mua lợn dắt vào tận nhà để cấp phát cho dân. Bởi nếu cứ làm thay người dân thì sẽ làm triệt tiêu động lực, tính năng động, chủ động của người nghèo”.  Bên cạnh đó, khi thực hiện mô hình, cấp ủy, chính quyền địa phương cần phải khảo sát, trao đổi và bàn bạc cụ thể với người dân, doanh nghiệp để lựa chọn đúng nội dung, đối tượng và địa bàn thực hiện mô hình, đảm bảo các đề xuất tuân thủ các quy định hiện hành và nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của người dân và chính quyền địa phương các cấp.
Chủ trương đúng đắn, cụ thể của tỉnh ta trong công tác giảm nghèo đã mang lại hiệu quả thiết thực. Điều đó cũng thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng của toàn tỉnh để ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Để câu chuyện giảm nghèo không còn là câu chuyện “kể mãi không hết”, thiết nghĩ, bên cạnh việc phát huy tối đa các nguồn lực cho công tác giảm nghèo thì việc phát huy nội lực, tạo động lực trong nhân dân mới là tiền đề, là giải pháp quan trọng để các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

<

Tin mới nhất

Lễ kết nghĩa giữa Chi đoàn Cơ quan chính quyền huyện với Đoàn xã Vân Am (26/03/2024 9:43 SA)

Huyện Ngọc Lặc, tham gia Liên hoan văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao năm 2024, dành nhiều...(25/03/2024 9:32 SA)

Huyện đoàn Ngọc Lặc tổ chức Hội thao cầu lông, bóng bàn thanh niên mở rộng năm 2024(23/03/2024 9:14 SA)

Trường THCS Kiên Thọ chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục(18/03/2024 9:30 SA)

Xã Ngọc Sơn tổ chức Lễ phát động toàn dân luyện tập thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại gắn với...(18/03/2024 9:26 SA)

Tuyên truyền, thực hành, trải nghiệm PCCC và CNCH tại Trường Mầm non thị trấn Ngọc Lặc(15/03/2024 9:07 SA)

Ngọc Lặc nỗ lực xây dựng trường đạt chuẩn trong chiến lược phát triển giáo dục(13/03/2024 4:46 CH)

UBND xã Đồng Thịnh tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2024(13/03/2024 4:17 CH)

°