Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
361 người đã bình chọn
386 người đang online

Gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở huyện Ngọc Lặc

Đăng ngày 09 - 07 - 2018
100%

(THO) - Chúng tôi đến làng Nhỏi, xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc) vào ngày cuối tháng 6. Trong không gian yên tĩnh của núi rừng, những âm thanh lách cách của tiếng thoi đưa vẫn vang lên trong hầu hết những ngôi nhà.

Dệt thổ cẩm truyền thống tại xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc).

Người dân làng Nhỏi vẫn làm nghề dệt thổ cẩm truyền thống và cố gắng gìn giữ, đưa sản phẩm thổ cẩm của mình đi khắp muôn nơi.

Trò chuyện với bà Phạm Thị Bảo, chủ câu lạc bộ dệt thổ cẩm Bảo Hằng, được biết: Từ năm 10 tuổi, bà đã được mẹ truyền dạy cho những đường chỉ đầu tiên và đến năm 16 tuổi bà có thể ngồi vào khung cửi, dệt thuần thục những hoa văn truyền thống của người Mường. Để chúng tôi hiểu hơn về nghề dệt thổ cẩm, bà Phạm Thị Bảo ngồi vào chiếc khung cửi trước cửa nhà và bắt đầu mắc khung dệt. Đôi tay nhanh nhẹn cầm con thoi đưa qua đưa lại thoăn thoắt chỉ một lúc đã tạo thành những hoa văn cầu kỳ và đẹp mắt. Vừa làm, bà vừa chia sẻ: “Dệt thổ cẩm trải qua nhiều công đoạn, như: Quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt. Sản phẩm dệt hiện nay vẫn chủ yếu là mặt gối, vỏ chăn, mặt địu, túi xách... với giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm. Các họa tiết được người Mường đưa vào sản phẩm thổ cẩm rất đa dạng, chủ yếu là hình ảnh của những loài cây, hoa, động vật gắn bó với đời sống hằng ngày.
 
Thế nhưng, nền kinh tế thị trường đã khiến nghề dệt thổ cẩm của người Mường dần mai một. Giờ đây, trang phục, vật dụng cho sinh hoạt bán nhiều trên thị trường và giá lại rẻ. Người con gái Mường không phải vất vả bên khung dệt nữa. Cũng chính vì lý do ấy, những cô gái Mường “thế hệ mới” đang đứng trước nguy cơ lãng quên dần nghề dệt truyền thống. Càng đam mê với nghề dệt bao nhiêu, bà Phạm Thị Bảo càng lo một ngày không xa nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình sẽ bị mai một. Bởi vậy, lúc nào bà Bảo cũng suy nghĩ, trăn trở tìm lời giải cho “bài toán” làm thế nào để vừa gìn giữ được nghề truyền thống, vừa truyền dạy được nghề cho nhiều người con gái Mường ở quê hương. Bà đã thành lập câu lạc bộ dệt thổ cẩm Bảo Hằng và sẵn sàng truyền dạy nghề dệt miễn phí cho những ai yêu, muốn học nghề. Từ việc tập hợp những người biết nghề trong làng tập trung truyền dạy nghề cho con, cháu, bà Phạm Thị Bảo còn say mê tìm kiếm cơ hội đưa những sản phẩm thổ cẩm của người dân thôn Nhỏi hiện diện tại nhiều hội chợ để quảng bá cho sản phẩm của quê hương.
 
Những ngày đầu thành lập, tổ hợp dệt của bà khó khăn đủ bề do thiếu vốn, tư liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ. Mỗi tổ viên phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm dệt của mình bằng cách mang đi bán lẻ hoặc gửi nhờ các cửa hàng lưu niệm bán giúp. Ước mơ khôi phục, gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của bà Phạm Thị Bảo đã trở thành hiện thực, khi ngày càng nhiều người trong thôn theo học và làm nghề cũng như sống  được với nghề. Từ niềm đam mê của mình, bà đã truyền lửa cho những người phụ nữ và các thế hệ trong thôn nhằm gìn giữ và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Đến nay, tổ hợp dệt thủ công truyền thống hoạt động ổn định, có doanh thu khoảng 400 triệu đồng/năm. Đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho gần 40 người với thu nhập bình quân từ 2,5 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của câu lạc bộ rất được yêu thích của khách tham quan và có mặt ở hầu hết các lễ hội, khu du lịch trên địa bàn huyện, tỉnh.
 
Ông Phạm Văn Hồi, Chủ tịch UBND xã Cao Ngọc, cho biết: Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân địa phương đã nỗ lực, kiên định với mục tiêu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống gắn với phát triển kinh tế. Bởi vì, phát triển nghề truyền thống vừa góp phần bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc vừa nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, việc gìn giữ, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn. Để nghề thổ cẩm ở xã Cao Ngọc nói riêng và huyện Ngọc Lặc nói chung đứng vững trong thời kỳ hội nhập cần được hỗ trợ để duy trì và mở rộng sản xuất, tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các làng nghề dệt khác trong và ngoài tỉnh. 
 
Với sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của người sản xuất, hy vọng trong tương lai gần, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Mường ở huyện Ngọc Lặc sẽ có được vị trí tương xứng, vừa giúp người sản xuất có thu nhập ổn định vừa góp phần gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc.

<

Tin mới nhất

Thường trực Huyện uỷ làm việc với các đơn vị, địa phương đánh giá về tình hình thực hiện việc sử...(16/04/2024 9:11 SA)

Tập huấn về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trên cây mía thâm canh và...(15/04/2024 8:56 SA)

Thường trực Huyện ủy làm việc về tình hình thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên...(14/04/2024 8:53 SA)

Ngọc Lặc đầu tư nâng cấp hệ thống hồ, đập phục vụ sản xuất nông nghiệp(14/04/2024 11:00 SA)

Huyện Ngọc Lặc: Tập huấn, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật diệt chuột(07/04/2024 10:50 SA)

Làm giàu từ mô hình nuôi vịt(05/04/2024 9:48 SA)

Huyện Ngọc Lặc tập trung phòng trừ sâu bệnh hại lúa và cây trồng vụ Xuân năm 2024(03/04/2024 8:53 SA)

Ngọc Lặc khai thác hiệu quả quỹ đất nông nghiệp(01/04/2024 10:32 SA)

°