Huyện Ngọc Lặc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế

(THO) - Thời gian qua, huyện Ngọc Lặc đã tập trung triển khai thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, hình thành và phát triển một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, cây trồng có lợi thế.

Nhà máy may Việt Pan-Pacific Thanh Hóa đóng trên địa bàn huyện Ngọc Lặc giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Đến nay, huyện đã chuyển đổi được 228,1 ha đất gieo cấy 2 vụ lúa và trồng 1 vụ màu; 433,2 ha đất 1 vụ lúa mùa sang  trồng 2 vụ màu, 1 vụ lúa; 570,6 ha đất 1 vụ lúa sang trồng 1 vụ lúa, 1 vụ màu... Đồng thời, tập trung phát triển chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp; quy hoạch các trang trại chăn nuôi công nghiệp tập trung tại các xã Minh Tiến, Lộc Thịnh, Phúc Thịnh; triển khai Dự án Liên hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi lợn và chế biến nông sản tại xã Minh Tiến. Kinh tế lâm nghiệp cũng là một thế mạnh của địa phương và đang phát triển, góp phần tăng thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo. Hàng năm, bình quân trên địa bàn huyện trồng mới hơn 1.000 ha rừng sản xuất, nâng độ che phủ rừng lên 36%. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp từng bước chuyển biến cả về chất và lượng, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia. Đồng thời, tập trung khôi phục, quy hoạch, phát triển các cụm làng nghề truyền thống, như: Cụm công nghiệp Cao - Lộc - Thịnh; cụm công nghiệp Quang Trung. Cùng với đó, huyện đã ban hành nhiều chính sách, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 129 doanh nghiệp đang hoạt động và hàng trăm cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp ngành nghề, góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 3.500 lao động địa phương. Ngày 15-3-2017, Bộ Xây dựng có quyết định công nhận thị trấn Ngọc Lặc và khu vực dự kiến mở rộng đạt chuẩn đô thị loại IV; bao gồm thị trấn Ngọc Lặc, một phần của các xã: Ngọc Liên, Ngọc Khuê, Quang Trung, Thúy Sơn, Minh Sơn... với tổng diện tích tự nhiên là 1.436,97ha. Việc công nhận đô thị Ngọc Lặc là điều kiện thuận lợi cho địa phương thu hút đầu tư, tạo việc làm, từng bước nâng cao đời sống cho người dân. Là trung tâm cửa ngõ phía Tây, huyện Ngọc Lặc có đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 15A chạy qua, là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ - du lịch. Cùng với  hệ thống chợ nông thôn đang từng bước được đầu tư kiên cố, phục vụ tốt nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Hoạt động du lịch từng bước được hình thành, tích cực quảng bá rộng rãi với nhiều di tích lịch sử đã được xếp hạng. Nhiều điểm du lịch được đầu tư xây dựng, như: Đền Trung Túc vương Lê Lai, hang Bàn Bù, Hồ Cống Khê, hang Cộng Sản, đền Chẹ, đền Mỹ Lâm.

Tuy nhiên, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huyện Ngọc Lặc vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thử thách. Cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông chưa đồng bộ, nguồn vốn đầu tư cho việc mở rộng sản xuất và xây dựng các cơ sở chế biến nông - lâm sản, dịch vụ còn thiếu. Thời gian tới, huyện Ngọc Lặc tiếp tục triển khai thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện. Triển khai thực hiện có hiệu quả đề án phát triển kinh tế trang trại, giai đoạn 2017-2020; phát triển cây ăn quả có múi trên địa bàn, giai đoạn 2017-2020. Khuyến khích phát triển, thành lập mới các doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, thành phần kinh tế, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm. Nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để quảng bá các sản phẩm sản xuất trên địa bàn và đem lại lợi thế để thu hút đầu tư. Tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ sản xuất, người tiêu dùng.

Theo báo Thanh hóa điện tử