Chủ động đối phó với nguy cơ xảy ra khô hạn nặng ở khu vực miền núi và trung du

(THO) - Vụ chiêm xuân năm 2018, vùng tưới bằng hồ, đập nhỏ ở khu vực miền núi và trung du tỉnh ta có 2.364 ha có khả năng xảy ra khô hạn nặng. Nguyên nhân chủ yếu là do hàng chục hồ, đập do các địa phương quản lý mực nước xuống thấp gần hoặc dưới mực nước chết.

Tìm hiểu tại một số công trình (CT) thủy lợi trên địa bàn huyện Ngọc Lặc, được biết: Toàn huyện  có 158 hồ, đập thủy lợi, ngoài hồ Cống Khê (xã Ngọc Khê) theo thiết kế có dung tích chứa 4 triệu 380 ngàn m3 nư­ớc, còn lại là hồ, đập vừa và nhỏ,  hàng năm đảm nhận t­ưới cho  gần 4.000 ha (vụ mùa), 3.000 ha/3.200 ha (vụ chiêm xuân). Trong số các CT thủy lợi kể trên có 11 hệ thống CT do Công ty TNHH  MTV Sông Chu - Chi nhánh Ngọc Lặc  quản lý, khai thác, do đ­ược xây dựng cơ bản đồng bộ từ hệ thống đầu mối đến kênh mư­ơng và đư­ợc tu sửa thư­ờng xuyên, đã phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất khá tốt, bảo đảm t­ưới cho gần 1.000 ha cây trồng. Các CT còn lại do địa phương quản lý, hầu hết đ­ược xây dựng từ năm 1980 trở về trư­ớc, phần đầu mối đư­ợc xây dựng, hệ thống kênh mư­ơng gần như­ chư­a có. Hiện nay, trên địa bàn huyện có hàng chục hồ chứa bị hư hỏng, trong đó 20 hồ chứa đã xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng phổ biến như đập đất thấp, mặt cắt nhỏ, mái thượng lưu, hạ lưu bị sạt lở; tràn, cống hư hỏng, lòng hồ bồi lắng,... không  an toàn, nhất là trong mùa mưa, bão, chỉ tích được một phần nước theo thiết kế, thậm chí có CT như hồ Chàng Vàng (xã Nguyệt Ấn) không tích được nước, không phát huy được hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp... Dự báo, thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5 tới  trời nắng nóng có khoảng 300 ha lúa trên tổng số hơn 3.000 ha vụ chiêm xuân năm 2018 khó khăn về nước tưới, khô hạn, tập trung ở các xã  như­­ Cao Ngọc, Cao Thịnh, Mỹ Tân, Thạch Lập, Ngọc Trung...

Chủ động nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, huyện Ngọc Lặc xác định phát huy nội lực, phát động nhân dân góp công sức thường xuyên làm thủy lợi nội đồng và mặt ruộng; huyện và các xã đầu tư vốn sửa chữa, khắc phục tạm thời các hồ, đập bị xuống cấp, hư­ hỏng nhỏ; các xã có hồ đập đã chủ động tu sửa, nạo vét kênh mư­ơng và điều tiết n­ước t­ưới hợp lý,... cho cây trồng sinh trưởng, phát triển. Trước mắt, huyện  khảo sát, triển khai giải pháp chống hạn như­ tìm nguồn nước còn đọng lại ở hồ, ao, khe suối, chỉ đạo các xã có kế hoạch chuẩn bị máy bơm dầu và các phư­ơng tiện trong dân khi xảy ra khô hạn sẽ bơm, tát nước vào ruộng đồng; tuyên truyền, vận động bà con sử dụng nư­ớc tưới từ hồ, đập, bai tiết kiệm. Huyện có phương án chuyển đổi một số diện tích  không chủ động nguồn nước tưới sang trồng cây chịu hạn. Về lâu dài, huyện đề nghị các cấp, các ngành chức năng quan tâm đến tính đặc thù về địa hình (độ dốc lớn không đồng đều,  ruộng bậc thang), tập quán, phư­ơng thức canh tác của người dân trên địa bàn, đầu tư kinh phí  sửa chữa , nâng cấp các hồ chứa nước.

Đến cuối  tháng 4-2018, khu vực miền núi và trung du tỉnh ta có  70  hồ, đập nhỏ chủ yếu ở các huyện như  Bá Thước, Cẩm Thủy, Thường Xuân, Như Xuân, Ngọc Lặc... mực nước  xuống thấp gần hoặc dưới mực nước chết, khả năng cấp nước tưới gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết  các CT  này được xây dựng từ  những năm 1970 đến 1980 (bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nhân dân đóng góp, các tổ chức tài trợ...), cống, tràn đều làm tạm, thời gian sử dụng đã lâu nên xuống cấp rất nghiêm trọng. Thực trạng như toàn bộ thiết bị đóng mở bị hư hỏng nặng, cống bị lùng mang, lùng đáy,  đập đất bị sạt lở,  thấm mạnh phía hạ lưu xuất hiện dòng chảy... không phục vụ sản xuất theo thiết kế hoặc chưa bảo đảm đủ nước tưới cho cây trồng theo kế hoạch. Ngoài nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn, tình trạng nêu trên cũng là nguyên nhân dẫn đến vụ chiêm xuân năm 2018, vùng tưới bằng hồ, đập nhỏ ở khu vực miền núi và trung du tỉnh ta  có 2.364 ha có khả năng xảy ra khô hạn nặng.

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  đã chỉ đạo các doanh nghiệp thủy nông trên địa bàn trước mắt phối hợp với các địa phương  rà soát, kiểm tra tình hình nguồn nước tại các hồ để có kế hoạch chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng cây màu ít sử dụng nước. Thực hiện triệt để biện pháp tưới tiết kiệm nước,  tưới luân phiên trên tất cả các hệ thống, điều tiết nguồn nước hợp lý, ưu tiên dành nước cho vùng cuối kênh, vùng cao khó tưới. Thường xuyên theo dõi, phát hiện hư hỏng  để sửa chữa kịp thời,  chống rò rỉ mất nước ở các cống lấy nước hồ chứa. Về lâu dài ngoài việc đề nghị Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư  kinh phí cho xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi, ưu tiên cho công tác sửa chữa , nâng cấp các hồ đập nhỏ  hiện có, các địa phương cần phát huy nội lực, huy động sức dân sửa chữa CT thủy lợi hư hỏng nhỏ. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nguồn n­ước, các huyện miền núi cũng cần tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng đầu nguồn, bảo đảm cân bằng sinh thái, tạo nguồn sinh thủy, giữ đ­ược nguồn n­ước cho các hồ, đập, bai phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, nhất là trong mùa khô.

Thu Hòa- Báo Thanh Hóa