Hội nghị tổng kết công tác Phòng chống thiên tại và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), triển khai phương án sản xuất vụ Thu mùa năm 2018.

Chiều 10/5/2018, tại Trung tâm hội nghị, UBND huyện tổ chức hội nghị tổng kết công tác PCTT&TKCN, triển khai phương án sản xuất vụ Thu mùa năm 2018. Đồng chí Phạm Công Cúc- Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện khai mạc và chủ trì hội nghị.

Đồng chí Phạm Công Cúc- Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu khai mạc hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe và thảo luận về 2 báo cáo: Tổng kết công tác PCTT&TKCN năm 2017, kế hoạch PCTT&TKCN năm 2018; phương án sản xuất vụ Thu mùa năm 2018. 

Trong năm 2017, UBND huyện, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, đã chủ động xây dựng phương án phòng chống thiên tai, triển khai và yêu cầu các xã thị trấn, các cơ quan đơn vị xây dựng kế hoạch chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại đơn vị mình với phương châm phòng là chính, mọi người, mọi nhà, các tổ xung kích sẵn sàng nhận nhiệm vụ ứng cứu khi có tình huống bão lũ, sạt lở đất, hỏa hoạn xảy ra. Chuẩn bị vật tư, trang thiết bị cần thiết để đối phó khi mưa lũ đến. Kiểm tra các công trình mùa mưa lũ, có phương án phòng chống kịp thời đối với các công trình có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ và tu bổ công trình đầu mối. Kết quả đã kiểm tra 53 công  trình trước mùa mưa lũ, tu bổ 11 công trình đầu mối, bổ sung 1.300m³ đất báo dự phòng, 9.000 cọc các loại, 2.500 bao tải. Chỉ đạo các xã Vân Am, Phùng Giáo, Phùng Minh, Phúc Thịnh, Thuý Sơn, Thạch Lập, Kiên Thọ, Ngọc Trung là những điểm trọng yếu khi có lũ khẩn trường di dời dân về nơi an toàn với số dân phải di dời theo kế hoạch là 256 hộ. Rút kinh nghiệm về công tác PCTT&TKCN năm 2017, trong năm 2018, đã xây dựng kế hoạch với các nhiệm vụ cụ thể như: kiện toàn ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, phân công giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên cho từng ngành, từng bộ phận. Tổ chức lực lượng, triển khai công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện, hậu cần với mức cao nhất theo phương án đã lập để sẵn sàng đối phó với thời tiết bất thường xảy ra. Lập, phê duyệt phương án cho các công trình hồ đập lớn từ 1.000.000m³ nước trở lên, duyệt phương án các hộ phải di dời ở vùng dọc sông, vùng sạt lở. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm về phòng tránh thiên tai đến tất cả các cấp, các ngành, đến cộng đồng dân cư. Nghiêm cấm một số hộ dân dọc vùng ngập của sông Âm, sông Chu, khu tái định cư khi có siêu bão và mưa lớn gây ra, có Phương án phòng chống lũ ống, lũ quét, di rời người dân ra khỏi vùng sạt lở. Lập phương án chống hạn, rét đậm, rét hại có thể xảy ra. Xây dựng phương án huy động lượng phương tiện khi cần thiết. Giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cơ quan đơn vị trên địa bàn huyện cùng thực hiện đồng bộ nhằm góp phần giảm nhẹ thiên tai.

Phương án sản xuất vụ thu mùa năm 2018: tổng diện tích gieo trồng 7.000 ha trở lên, sản lượng lương thực 30.500 tấn trở lên. Lúa mùa 4.000 ha, năng suất 55 tạ/ha, sản lượng lương thực 22.000 tấn. Ngô 1.950 ha, năng suất 49 tạ/ha, sản lượng 9.550 tấn. Lạc 150 ha, năng suất 20 tạ/ha. Khoai lang 100 ha, rau đậu các loại 450ha, cây khác 350ha. Đối với cứu chỉ đạo hướng dẫn nông dân lựa chọn các giống lúa có năng suất cao chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích hợp với từng chân đất, thời tiết, điều kiện sản xuất từng vùng. Ưu tiên sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, mở rộng diện tích lúa lai và lúa thuần chất lượng cao. Mỗi xã cơ cấu từ 2 đến 3 giống chủ lực, mỗi vùng sản xuất chỉ nên cơ cấu từ 1 đến 2 giống để tập trung chỉ đạo đạt hiệu quả cao. Thời gian gieo mạ từ 20/5 đến 30/5 đối với nếp địa phương. Đối với cây màu thu hoạch cây trồng vụ xuân đến đâu thì gieo trồng cây vụ thu đến đấy, tranh thủ thời vụ và độ ẩm đất.                          

Phát biểu chỉ đạo kết luận tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện đã biểu dương ghi nhận những kết quả đã đạt được trong công tác chủ động PCTT&TKCN năm 2017, kết quả sản xuất vụ Thu mùa năm 2017, đồng thời đồng chí nhân mạnh một số nhiệm vụ cần thực hiện đó là:

- Tập trung chỉ đạo, tổ chức tốt công tác kiểm tra, dự tính, dự báo chính xác các đối tượng sâu, bệnh gây hại trên các loại cây trồng để có biện pháp phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; phân loại sinh trưởng của từng trà lúa, khẩn trương thu hoạch nhanh gọn trên diện tích lúa chín đạt 80% trở lên với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, diện tích bị ảnh hưởng sâu bệnh kết hợp xử lý đồng ruộng tránh để lây lan ra diện rộng; thu hoạch đến đâu tiến hành giải phóng đất ngay để kịp thời sản xuất vụ Thu mùa càng sớm càng tốt. Đối với cây màu: tập trung chăm sóc đúng quy trình, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch nhanh gọn để tránh thời tiết bất lợi, đảm bảo năng xuất và sản lượng đồng thời kịp thời vụ các cây trồng vụ thu.

- Trên cơ sở phương án sản xuất của huyện do phòng Nông nghiệp & PTNT tham mưu; UBND các xã, thị trấn phải rà soát lại toàn bộ diện tích lúa vụ Chiêm xuân đã trổ, chưa trổ, dự diến thời gian thu hoạch và các điều kiện phục vụ sản xuất để xây dựng phương án cụ thể đến từng xứ đồng. Mỗi xã lựa chọn 2-3 giống lúa chủ lực, mỗi thôn 1-2 giống chủ lực tập trung bộ giống lúa năng suất, chất lượng, có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích hợp với từng chân đất, thời tiết, điều kiện sản xuất của từng vùng và có các giải pháp phù hợp trong chỉ đạo, điều hành. Khẩn trương giải phóng đất ngay sau khi thu hoạch lúa Chiêm xuân; những chân đất gieo cấy lúa mùa sớm và sản xuất vụ đông phải ưu tiên giải phóng và làm đất trước. Tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu sản xuất lúa: thu hoạch, làm đất, gieo mạ, cấy … để tăng năng xuất, hiệu quả lao động và đảm bảo lúa được gieo trồng trong khung thời vụ thích hợp nhất. Tiếp tục chuyển giao, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, phân bón, kỹ thuật canh tác… để hạ giá thành, nâng cao năng xuất, hiệu quả sản xuất. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về chất lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Thực hiện tốt công tác thủy lợi, đảm bảo đủ nước phục vụ gieo trồng, chăm sóc và tiêu thoát nước kịp thời khi có mưa lũ sảy ra.

- Yêu cầu UBND các xã, thị trấn tổ chức họp triển khai phương án sản xuất vụ Thu mùa và công tác PCTT&TKCN năm 2018; gửi báo cáo, phương án về UBND huyện (qua phòng Nông nghiệp&PTNT) trước ngày 20/5/2018.

- Tất cả các cơ quan, đơn vị, trường học, UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm chế độ báo cáo của đơn vị mình; chủ động xây dựng phương án PCTT&TKCN cụ thể với tình hình của đơn vị mình; rà soát, kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN từ huyện xuống cơ sở; phân công giao nhiệm vụ, quy định trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng bộ phận, cho mỗi thành viên. Tiếp tục kiểm tra, rà soát, xác định các vùng nguy hiểm khi xảy ra mưa, lũ trên địa bàn để có biện pháp di dân kịp thời; đặc biệt ở các xã ven sông và thường sảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Rà soát, kiểm tra, đánh giá chất lượng kè, cống, chủ động sửa chữa, khắc phục các sự cố trước mùa mưa bão, có phương án đảm bảo an toàn kè, cống, khơi thông dòng chảy trong mùa mưa bão. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, người đứng đầu trong công tác phòng chống thiên tai và TKCN. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về phòng chống thiên tai và TKCN trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chuẩn bị đầy đủ số lượng và đảm bảo chất lượng các loại vật tư, dụng cụ, phương tiện để chủ động đối phó và phòng chống có hiệu quả khi có bão, lũ lụt hay sự cố về tình hình thiên tai sảy ra.

- Đề nghị các Thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện tăng cường nắm bắt tình hình thời tiết, địa bàn được phân công phụ trách để xử lý kịp thời các tình huống sảy ra.

Liên Huyền- Văn Phan