Hội nghị triển khai Nghị quyết HĐND tỉnh và Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về việc đổi tên, sáp nhập để thành lập thôn mới. Hướng dẫn kiện toàn tổ chức, bố trí sắp xếp nhân sự ở thôn.

Sáng 20/9/2018, tại Trung tâm hội nghị huyện, UBND huyện tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh và Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về đổi tên, sáp nhập thôn để thành thôn mới trên địa bàn huyện Ngọc Lặc. Hướng dẫn kiện toàn tổ chức, bố trí sắp xếp nhân sự ở thôn sau sáp nhập.

Đ/c Lê Văn Tuấn- Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phát biểu khai mạc và giao nhiệm vụ tại hội nghị

Khai mạc và phát biểu giao nhiệm vụ tại hội nghị có đồng chí Lê Văn Tuấn- Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện. Đồng chí Phạm Văn Đạt- Ủy viên BCH Đảng bộ huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có các đồng chí Uỷ viên BTV Huyện ủy, Thường trực HĐND huyện, Ban chỉ đạo thực hiện đề án sáp nhập thôn; Trưởng các phòng ban UBND, MTTQ và các đoàn thể cấp huyện và các đồng chí là Bí thư các Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng các đoàn thể và cán bộ Văn phòng các xã, thị trấn.

Tại hội nghị các đại biểu đã nghe nội dung triển khai Nghị quyết 106/NQ-HĐND ngày 11/7/2018 của HĐND tỉnh; Quyết định số 3635/QĐ-UBND ngày 26/9/2017 và Quyết định số 3110/QĐ-UBND ngày 17/8/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc đổi tên, chuyển thôn thành khu phố, sáp nhập để thành lập thôn, tổ dân phố tại xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 11/9/2018 của UBND huyện Ngọc Lặc về việc triển khai thực hiện Nghị quyết HĐND và Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc đổi tên, sáp nhập để thành lập thôn mới trên địa bàn huyện. Việc thực hiện sáp nhập thôn, tiểu khu trên địa bàn huyện nhằm tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm số lượng và nâng cao chất lượng của người hoạt động không chuyên trách cấp thôn, góp phần giảm chi ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chính quyền cấp xã, tập trung nguồn lực đầu tư các công trình phúc lợi của cộng đồng dân cư. 

Hiện tại trên địa bàn huyện có 281 thôn, theo đó đổi tên 2 thôn; sáp nhập 128 thôn để thành lập 60 thôn mới tại 20 xã. Những năm qua hoạt động của các thôn, phố trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả tích cực, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Cấp ủy, Chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị triển khai thực hiện kịp thời. Giữ vững đoàn kết, góp phần phát triển sản xuất, xây dựng và phát huy truyền thống tốt đẹp của địa phương. Phòng chống và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, xây dựng đô thị văn minh, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên bên cạnh đó công tác tổ chức, hoạt động của thôn cũng còn nhiều tồn tại, bất cập do số lượng thôn lớn đã làm phát sinh tổ chức, tạo nhiều đầu mối, tăng số lượng người hoạt động không chuyên trách, gây áp lực chi phí ngân sách địa phương. Nhiều thôn có quy mô nhỏ, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của chi bộ, chi hội, đoàn thể, khó khăn trong việc huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư để xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, đô thị văn minh. 

Việc thực hiện sáp nhập giảm số lượng thôn và người hoạt động không chuyên trách sẽ phát huy vai trò tự quản, tự chủ, hiệu quả huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư trong xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, xây dựng NTM. Sau khi sáp nhập toàn huyện giảm 68 thôn so với hiện nay. 

Dưới sự chủ trì của đồng chí đồng chí Phạm Văn Đạt- Ủy viên BCH Đảng bộ huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện các đại biểu đã tham gia thảo luận và thống nhất cao với các nội dung, kế hoạch đã triển khai.

Phát biểu giao nhiệm vụ tại hội nghị đồng chí Lê Văn Tuấn- Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đề nghị các xã, thị trấn triển khai thực hiện theo kế hoạch của UBND huyện, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, bám và nội dung các tiêu chí, quy định để xây dựng đề án đồng bộ ở địa phương mình. Tổ chức thực hiện đầy đủ các quy trình, đảm bảo dân chủ công khai, thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, song phải kiên trì tuyên truyền thuyết phục, thực hiện theo đúng lộ trình thời gian nhưng cũng phải tạo được sự đồng thuận thống nhất trong nhân dân. Đảm bảo cho đội ngũ cán bộ thôn, hoạt động thông suốt sau sáp nhập, chú ý vấn đề bàn giao hồ sơ hoàn tất các thủ tục. Thực hiện đảm bảo chính sách cán bộ cho những người thôi không tham gia công tác sau sáp nhập theo đúng quy định. Đối với các bước thực hiện đề nghị các đơn vị bám sát Hướng dẫn, Kế hoạch gắn với tình hình thực tế của đơn vị để triển khai thực hiện các bước. Việc sáp nhập thôn để thành lập thôn mới là nhiệm vụ quan trọng cuối năm 2018 do đó các địa phương đơn vị nhất là người đứng đầu cần nêu cao vai trò trách nhiệm thực hiện chủ trương đã đề ra, đồng thời bài trừ tư tưởng cục bộ, làm qua loa không đúng quy định gây mất đoàn kết trong nhân dân.

Liên Huyền- Văn Phan