Đại hội Chi hội Dân tộc học- Nhân học lần thứ nhất nhiệm kỳ 2018-2022

Sáng ngày 26/10/2018, tại hội trường thôn Hạ Sơn, Hội Dân tộc học và Nhân học Ngọc Lặc tổ chức Đại hội Chi hội dân tộc học- Nhân học lần thứ nhất nhiệm kỳ 2018-2022. Về dự và chúc mừng Đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Thịnh, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hoá. Các đồng chí trong BTV Hội. Đại diện UBND huyện Ngọc Lặc; Hội Dân tộc học và Nhân học huyện Quan Sơn và Cẩm Thuỷ; lãnh đạo xã Ngọc Khê, thị trấn Ngọc Lặc.

Ban chấp hành đầu tiên của Chi hội nhiệm kỳ 2018-2022 

Tại đại hội đã báo cáo tổng kết nhiệm kỳ lâm thời Chi hội Dân tộc học và Nhân học Ngọc Lặc và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2018-2022. Tổng số hội viên từ khi hoạt động lâm thời đến nay là 22 người, được Hội Dân tộc học tỉnh Thanh Hóa ra quyết định công nhận. Ban chấp hành lâm thời gồm 3 người, hoạt động theo điều lệ và hướng dẫn của Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hoá. Trong thời gian hoạt động lâm thời, Chi hội đã tham gia hội thảo khoa học về công tác bảo tồn di sản tri thức, bản địa dân tộc. Một số thành viên của Chi hội Dân tộc và Nhân học được trung tâm vì sự phát triển bền vững miền núi mời dự các hội nghị, hội thảo khoa học tại tỉnh thanh hóa, Hà Nội, Lạng Sơn với nhiều nội dung thiết thực như: hội thảo về bảo tồn trí thức bản địa dân tộc, hội thảo về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu toàn cầu, hội thảo về Quyền con người và bình đẳng giới, hội thảo về chữ viết của các dân tộc thiểu số, hội thảo về văn hóa tín ngưỡng dân tộc. Ban chấp hành Chi hội lâm thời phối hợp với các nghệ nhân dân tộc Dao, nghiên cứu, sưu tầm chữ nôm, phối hợp với Ban Dân tộc, Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa sưu tầm biên soạn bộ chữ nôm dao. Tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho 40 học viên dạy chữ nôm dao. Thực hiện hỗ trợ kinh phí tổ chức xóa mù chữ nôm dao cho 120 học viên con em dân tộc dao tại các làng Phùng Sơn, Hạ Sơn và Tân Thành. Phối hợp với các nghệ nhân dân tộc Dao khôi phục các điệu múa rùa truyền thống phục vụ cho lễ hội tết của người dao. Hội đã phối hợp với các nghệ nhân dân tộc Mường, tổ chức sưu tầm và biên soạn bộ chữ dân tộc Mường để trình cấp có thẩm quyền phê chuẩn đồng thời bảo tồn và phát triển các làn điệu múa hát phong phú và đa dạng của các dân tộc thiểu số và hoạt động phục vụ cho cuộc sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Đã và đang sưu tầm chỉnh sửa bộ từ điển tiếng dao nguyên bản để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để con em dân tộc dao giữ gìn tiếng cha sinh mẹ đẻ không bị xáo trộn và mai một. Từng bước cùng đồng bào các dân tộc thiểu số cải tiến các phong tục lạc hậu thành các thần phong mỹ tục mang tính nhân văn tinh hoa của thời đại.  Trong thời gian tới, Chi hội tiếp tục thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích là tổ chức xã hội nghề nghiệp của tổ chức công dân Việt Nam, hoạt động trong và ngoài lĩnh vực dân tộc học và nhân học, tập hợp những người yêu thích quan tâm đến dân tộc học và nhân học, tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh của đất nước. Nhiệm vụ của hội là giúp đồng bào các dân tộc thiểu số giữ gìn và phát triển nền di sản văn hóa bản địa dân tộc.

Tại đại hội các đại biểu đã phát biểu tham luận đóng góp ý kiến vào phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2018-2022. 

Sau một thời gian làm việc nghiêm túc với tinh thần đoàn kết dân chủ, Đại hội đã bầu được BCH đầu tiên của Chi hội nhiệm kỳ 2018-2022 và thông qua Nghị quyết Đại hội.

Liên Huyền- Văn Phan