Tiếng kẻng bình yên

Hơn 1 năm nay, tiếng kẻng ấy vẫn cứ đều vang trong từng thôn, khu phố ở huyện Ngọc Lặc. Tiếng kẻng góp phần giảm tệ nạn xã hội, người dân yên tâm, nhà nhà ngon giấc ngủ, trẻ em học hành chăm ngoan...

Nếu trước đây, khi chưa có phong trào “Tiếng kẻng bình yên” thì sau 22h đêm, ở một số thôn, khu phố trên địa bàn huyện Ngọc Lặc vẫn xảy ra tình trạng trộm cắp, đánh nhau... Nhưng từ khi phong trào được triển khai, thực hiện, làng xóm đã bình yên hơn từ sau những tiếng kẻng.

Ở khu phố Lê Đình Chinh của thị trấn Ngọc Lặc, một trong những khu phố mà trước đây khi tiếng kẻng chưa về thì tình hình an ninh tương đối phức tạp, thanh niên thường tụ tập ăn uống, chơi bời đến 11-12h đêm, liên tục xảy ra các vụ trộm chó, trộm gà... Công an viên Trần Quốc Sơn - Tổ trưởng tổ bảo vệ ANTT khu phố Lê Đình Chinh, cho biết: “Khi tiếng kẻng lần đầu về với khu phố, bà con còn rất bỡ ngỡ, lạ lẫm và thậm chí có những gia đình phản đối, nhưng giờ vắng tiếng kẻng là bà con lại thấy nhớ. Từ sau khi có tiếng kẻng, tình hình an ninh ở đây đã đi vào nền nếp và thực sự bình yên. Cứ sau 22h đêm, nhà ai cũng đóng cửa, đường phố vắng người lại qua. Trong năm, cũng nhờ có tiếng kẻng mà đã bắt được một đối tượng ăn trộm vặt”.

Khu phố Lê Đình Chinh cũng là khu phố duy nhất trên địa bàn huyện Ngọc Lặc đã làm được nhà chòi để kẻng. Và để có chiếc nhà chòi này, 182 hộ dân trong khu phố đã tự nguyện đóng góp với tổng số tiền 4 triệu đồng để làm. Người dân ở đây đã coi chiếc kẻng như một báu vật và họ cần phải bảo vệ, giữ gìn, tránh cho kẻng những ngày mưa, ngày nắng...

Nhà chòi để kẻng của khu phố Lê Đình Chinh, thị trấn Ngọc Lặc.

Còn tại xã Ngọc Khê của huyện, 11 thôn được cấp tới 13 cái kẻng, trong đó có thôn do địa bàn rộng được cấp lên 2 cái. Cũng hơn 1 năm qua, nhờ có tiếng kẻng mà các thôn trong xã đã bắt được 3 vụ trộm gà và 3 đối tượng nghiện ma tuý. Ông Phạm Xuân Thiều, người dân thôn Tran chia sẻ: “Chúng tôi treo chiếc kẻng ngay tại nhà văn hoá của thôn. Có tiếng kẻng, người dân rất phấn khởi, đấy là niềm vui, là sự bình yên của tất cả các thôn. Giờ kẻ gian rất sợ tiếng kẻng, chẳng còn dám lảng vảng ở đây nữa...”.

Ở một số nơi, chiếc kẻng không chỉ giúp ích bảo vệ an ninh trật tự trong khu dân cư, mà còn dùng để báo hiệu thời gian để các cháu nhỏ học bài. Các hoạt động trong gia đình, khu phố cũng trầm lặng, nhường chỗ cho góc học tập trong mỗi gia đình.

“Tiếng kẻng bình yên” là mô hình được Ngọc Lặc triển khai, thực hiện đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và được thực hiện đồng bộ tại tất cả các thôn, khu phố trên địa bàn huyện. Và đến thời điểm này, Ngọc Lặc vẫn đang đi đầu về mô hình này. Ông Triệu Văn Phúc - Đội trưởng đội Tổng hợp Công an huyện Ngọc Lặc cho biết: “Nếu như trước đây dùng mõ hay trống thì âm sẽ không thể vang xa cho nên sau khi nghiên cứu kỹ thì chúng tôi thấy dùng kẻng là hợp lý và đúng nhất. “Tiếng kẻng bình yên” được thực hiện theo phương châm, nhân dân “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ” nhằm nâng cao ý thức về thời gian sinh hoạt cá nhân, gia đình... Gần 300 chiếc kẻng đã được huyện ra ngoài tận Hải Phòng để đúc. Rất mừng là sau hơn 1 năm thực hiện, tiếng kẻng đã thực sự có hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân đánh giá cao”.

Ông Phúc cũng cho biết thêm, trong hơn 1 năm qua, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên địa bàn huyện cơ bản được kiềm chế, không để hình thành các băng, ổ nhóm tội phạm hình sự có tổ chức, không hình thành các tụ điểm phức tạp về ma tuý, mại dâm... Để làm được điều này, có đóng góp không nhỏ từ tiếng kẻng bình yên.

Từ Đề án 1212 “Phòng chống tội phạm giết người và tội phạm cố ý gây thương tích trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2017 - 2020” của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, UBND huyện Ngọc Lặc đã ban hành Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 19/9/2017 về triển khai thực hiện phong trào “Tiếng kẻng bình yên”. Đến nay, 281/281 thôn, khu phố trên địa bàn huyện đã có mô hình này. 281 thôn, khu phố có 281 cái kẻng, trong đó quy định: Tiếng kẻng báo yên đánh 1 hồi 9 tiếng sau 22h mỗi đêm còn tiếng kẻng báo động đánh 3 tiếng dồn dập liên tục.

Hoàng Việt Anh-Báo VHĐS