Đắm say điệu xường đất Châu Ngọc

Trong hệ thống dân ca của người Mường, Xường giao duyên là một trong những áng thơ tiêu biểu chứa đựng tâm tư, tình cảm, tâm hồn, trí tuệ, tập quán sinh hoạt và nghệ thuật giao tiếp. Vì vậy, người Mường Thanh Hóa nói chung và Ngọc Lặc nói riêng từ bao đời nay gìn giữ như báu vật của mình để giao tiếp ứng xử, là “bùa yêu” của đôi trai gái khi trao gửi lời yêu thương. Với giá trị nhân văn sâu sắc, Xường giao duyên huyện Ngọc Lặc được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Nguồn gốc của Xường  được các già làng truyền lại rằng, từ khi “Đẻ đất, đẻ nước” bà Dạ Dần (nữ thần sáng tạo) gánh xường đi qua miền đất xứ Thanh, không ai biết bà sẽ trao xường ở đâu và cho ai. Bỗng nhiên gánh xường đứt quai, một sọt rơi xuống Mường Ai, còn đầu kia rơi xuống Mường Ống, gánh xường còn rơi vãi khắp nơi, dân Mường Ống, Mường Ai bèn rủ nhau ra nhặt. Bởi vậy, người Mường Thanh Hoá  nói chung và Ngọc Lặc nói riêng từ bao đời nay rất trân trọng và tự hào với di sản văn hoá xường của các thế hệ cha ông truyền. Trong số các loại xường thì xường giao duyên là hình thức phong phú và có nhiều bài hát nhất. Xường giao duyên là các bài ca trao duyên, trao tình giữa một bên là trai thanh và một bên là gái lịch, thông qua lời hát để bén duyên nhau mà nên chồng vợ.

Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, nam thanh nữ tú người Mường lại rủ nhau hát đối từ bản nọ sang bản kia, thể hiện giản dị, mộc mạc, lời hát cất lên từ trái tim rạo rực thương yêu, không phân biệt địa vị cao thấp trong xã hội hay hát xường vì vật chất. Nét độc đáo trong điệu xường giao duyên là lời ca được ứng khẩu ngay tại chỗ, không theo một khuôn mẫu có sẵn mà sáng tạo một cách linh hoạt, hài hòa. Vì vậy, xường giao duyên có sức sống bền vững trong lòng đồng bào dân tộc Mường được mài giũa, chắt lọc qua nhiều thế kỷ và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc.

Xường giao duyên được biểu diễn tại Lễ hội Văn hóa - Du lịch Bàn Bù (Ngọc Lặc).

Và trong nghệ thuật trình diễn xường giao duyên của đồng bào dân tộc Mường thì xường giao duyên của Ngọc Lặc được xem là đặc sắc nhất với một cấu trúc trình tự bắt buộc từng cung bậc tình cảm của đôi trai gái khi ngỏ lời yêu. Phần thứ nhất là xường áng có rất nhiều bài như xường chào, xường nài, xường xướng, xường qua cầu, chạm cầu, đổ cầu...; phần thứ hai là xường cài hoa lên bậc với 12 bậc khác nhau. Với những giá trị độc đáo, nhân văn sâu sắc, vừa qua, xường giao duyên của người Mường thuộc các xã Cao Ngọc, Thạch Lập, Minh Sơn của huyện Ngọc Lặc vừa vinh dự được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Mường xứ Thanh nói chung và Ngọc Lặc nói riêng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Đạt - Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết: Xường nói chung và xường giao duyên nói riêng là một loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc đã xuất hiện và tồn tại trong đời sống văn hóa tinh thần của quần chúng nhân dân  từ rất lâu đời. Trải qua bao biến động của lịch sử, loại hình sinh hoạt dân gian này đến nay vẫn tồn tại với những nét khác biệt, thể hiện sự tinh tế và tính bản địa đặc sắc. Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định công bố thêm 17 Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, trong đó có xường giao duyên của người Mường thuộc các xã Cao Ngọc, Thạch Lập, Minh Sơn của  huyện Ngọc Lặc. Đây là niềm vinh dự, tự hào nhưng trách nhiệm cũng hết sức lớn lao. Bởi lẽ để đạt được danh hiệu này đã khó, giữ gìn và phát huy lại càng khó hơn. Vì vậy, trong thời gian tới huyện Ngọc Lặc sẽ hướng tới việc truyền dạy diễn xướng xường giao duyên nhằm mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường nói chung và Ngọc Lặc nói riêng”.

Nghệ thuật diễn xướng xường giao duyên mang tính truyền khẩu, vì thế dễ bị mài mòn theo năm tháng nếu không có biện pháp bảo tồn và lưu giữ đúng đắn và nghiêm túc. Vì vậy để bảo tồn và phát triển xường giao duyên đòi hỏi sự chung sức của lãnh đạo các cấp, các ngành liên quan, đặc biệt là huyện Ngọc Lặc, nhằm phát huy những giá trị vốn có của loại hình nghệ thuật dân gian này, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Xuân Cường- Báo VH&ĐS