Hội nghị trực tuyến về các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu phi

Chiều ngày 20/5, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến bàn về các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, Đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu huyện Ngọc Lặc có đồng chí Bùi Huy Toàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Lê Văn Tuấn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đồng chủ trì hội nghị; lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành của huyện, Ban Chỉ đạo huyện và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến huyện Ngọc Lặc

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tính đến ngày 19/5, cả tỉnh đã có 582 hộ, 264 thôn 18 huyện có bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 8.089 triệu con, tương đương với trên 500 ngàn tấn lợn. Ngay từ khi phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh, Sở NN&PTNT đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn xử lý ổ dịch tại các địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại một số nơi còn một số tồn tại, bất cập, như: Công tác chủ động giám sát, phát hiện, báo cáo và công bố dịch bệnh chưa kịp thời, dẫn đến trường hợp người dân bán chạy lợn bệnh; việc tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết chưa kịp thời, triệt để; chậm hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy và chưa bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh.

Đối với huyện Ngọc Lặc, tính đến ngày 19/5, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 2 xã Lam Sơn và Ngọc Liên với số lượng lợn tiêu hủy trên 30 con. Trạm Thú y đã cấp hóa chất, các địa phương cũng đã chủ động mua hóa chất, vôi bột để dập dịch. Hiện nay, toàn huyện tại các xã vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm đã thành lập và duy trì các chốt kiểm dịch động vật tạm thời và  đội kiểm tra liên ngành để quản lý việc buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.

Tại hội nghị, đại diện các huyện, Sở, ban ngành, đã tập trung thảo luận bàn về các giải pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi hiệu quả, đặc biệt là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng , chính quyền. Nêu lên các khó khăn, bất cập trong công tác chống dịch.  Nhiều địa phương đề nghị tỉnh có cơ chế hỗ trợ cho các hộ, trang trại, doanh nghiệp khi có dịch; tăng trách nhiệm cho các cơ sở giết mổ để bảo đảm an toàn sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.

Phát biểu tại hội nghị, Đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện hiệu quả  triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn Châu Phi; thực hiện kịp thời, đồng bộ, quyết liệt từ nhận thức đến hành động trong việc ngăn chặn có hiệu quả, kịp thời hơn dịch tả lợn Châu Phi. Tiếp tục đánh giá tình hình, làm rõ nguyên nhân trong phòng, chống dịch bệnh. Bàn các giải pháp trong thời gian tới thực hiện đồng bộ các giải pháp như về kỹ thuật, chuẩn bị các phương tiện kỹ thuật, thuốc, các loại hóa chất nhanh chóng tiêu độc, khử trùng, dập dịch tránh lây lan, bùng phát ra diện rộng; về cơ chế chính sách giao Sở Tài chính – Kế hoạch phối hợp các Sở, ngành liên quan xây dựng giải pháp về kinh phí phục vụ công tác phòng, chống, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh và các chính sách hỗ trợ thiệt hại cho các hộ, trang trại, doanh nghiệp khi có lợn bị tiêu hủy; Về giải pháp chỉ đạo, lãnh đạo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần phải là rõ trách nhiệm của các Hộ, thôn, xã, Huyện, tỉnh trong công tác phòng chống dịch, tăng cường công tác tuyên truyền trên mọi phương tiện, công tác kiểm tra giám sát, Chống dịch như giặc, với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, trách nhiệm cao và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.

Thanh Nghị - Tiến Dũng