Khu Di tích, lịch sử - Văn hóa, danh thắng hang Bàn Bù điểm du lịch hấp dẫn

Huyện Ngọc Lặc nằm ở vùng miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa khoảng 75km. Diện tích tự nhiên của huyện là 49.092,4 ha. Dân số của huyện khoảng 135.200 người. Ngọc Lặc là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, trên địa bàn huyện có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích nổi tiếng. Khi đến Ngọc Lặc, du khách không thể bỏ qua khu Khu Di tích, lịch sử - Văn hóa, danh thắng hang Bàn Bù, tọa lạc tại thị trấn Ngọc Lặc. Đây là quần thể di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh lưu dấu sự kiện lịch sử và phong cảnh thiên nhiên huyền ảo, kỳ vĩ.

Cảnh Chùa Nán trong khu Di tích, lịch sử - Văn hóa, danh thắng hang Bàn Bù

Di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh hang Bàn Bù bao gồm khu vực núi, hang động, suối nước, các di tích chùa Nán, Đền thờ Mẫu Thoải, Đền thờ Lê Lai, Lê Lợi, Nguyễn Trãi và các tướng sỹ Nghĩa quân Lam Sơn. Đây là một quần thể di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh có giá trị văn hóa, lịch sử đậm nét. Nơi đây, cũng được thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan hùng vĩ. Hang Bàn Bù là một trong những hang động kỳ vĩ, nguyên sơ ở vùng rừng núi phía Tây Thanh Hóa với chiều dài của hang 903,5m (riêng đoạn đã khám phá và đưa vào khai thác du lịch). Trong hang có hai ngách. Ngách bên dưới, trong lòng hang có nhiều động đẹp, huyền ảo như Ruộng Vua, Ao Vua, hang Bụt, thác Bạc, thác Vàng, động tiên, cung cấm và rất nhiều những nhũ đá tuyệt đẹp với đủ hình thù gắn với những tích chuyện kỳ thú của người xưa kể lại. Đặc biệt, trong lòng hang động có dòng nước trong lành tuôn chảy suốt ngày đêm chưa bao giờ cạn, tạo thành nhiều mặt hồ soi bóng vô vàn nhũ đá lung linh chạy dài theo hang động. Vào hang chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những con cá, con cua, con dơi. Ngách khô phía trên hẹp hơn và có nhiều vết tích từ rất xa xưa còn chưa được khám phá. Hang Bàn Bù còn được biết tới là nơi tập hợp nuôi dưỡng nghĩa quân Lam Sơn, suối Bàn Bù là phòng tuyến bên ngoài giúp nghĩa quân Lam Sơn nhiều lần phục kích đánh thắng quân Minh.

Hang Bàn Bù trong khu Di tích, lịch sử - Văn hóa, danh thắng hang Bàn Bù

Đến thăm Khu Di tích, lịch sử - Văn hóa, danh thắng hang Bàn Bù, du khách  còn có dịp chiêm ngưỡng chùa Nán thờ thích ca Mâu ni, theo thiền phái Trúc Lâm. Ngôi chùa này đã có từ xưa, trước năm 1420, giặc Minh xâm lược đã tàn phá Chùa, nhân dân đã phải sơ tán vào hang Bàn Bù lập bàn thờ thần nước và thờ Phật. Sau khi chiến thắng quân Minh, nhân dân xây dựng lại chùa để làm nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng. Theo Đại Việt thông sử, thì Lê Lợi đem quân mai phục và tiêu diệt hàng trăm tên địch, phá tan ý định tiến quân lên Miền Tây Thanh Hóa và sang nước bạn Lào. Sau khi thắng quân Minh, Lê Thái Tổ sắc phong cho nhân dân làng Ngán, xã Ngọc Khê. Để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn, hàng năm nhân dân trong làng thường tổ chức ăn mừng chiến thắng và lễ hội rước nước vào 2 ngày 19 và 20 tháng Giêng. Sau nghi lễ tế thần linh, đoàn rước nước gồm 9 cô gái và 9 chàng trai vác ống lấy nước từ trong hang đem ra tế thần linh và các bậc tiền nhân, Một nghi lễ quan trọng cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu.

Nằm ngay trên quốc lộ 15A nối với cửa khẩu Na Mèo (huyện Quan Sơn), rất thuận tiện cho du khách ghé thăm, nhất là đối với những du khách nước ngoài khi đi qua con đường này.

Với những giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc của Khu Di tích, lịch sử - Văn hóa, danh thắng hang Bàn Bù, đặc biệt là hang Bàn Bù đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử danh thắng cấp tỉnh được đưa vào quy hoạch tổng thể nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Hiện nay, hang động đã được xây lắp cầu và đèn điện phục vụ cho du khách tham quan du lịch trong hang và khu văn hóa tâm linh. Huyện Ngọc Lặc và các nhà đầu tư đã có kế hoạch xây dựng thêm không gian văn hóa ở dọc bìa núi bao gồm quần thể các nhà sàn văn hóa và dựng lại các nghề truyền thống của dân địa phương kết hợi với việc tổ chức các trò chơi dân gian như nèm còn, nhảy sạp... của người dân địa phương, các bản nhạc, hát sường, điều múa Pôồng pôông đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Du khách có thể tham quan và tham gia các trò chơi cùng dân địa phương. Xây dựng các khu Resort ngh dưỡng cao cấp và cung cấp các dịch vụ Home stay phục vụ cho du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó sẽ trồng những thảm hoa rực rỡ màu sắc tô đẹp thêm vẻ đẹp tự nhiên của không gian rừng núi. Dự kiến sẽ đưa vào phục vụ trong thời gian sớm nhất.

 

Nguyễn Thanh Tùng