Ghi nhận tại khu cách ly tập trung huyện Ngọc Lặc

Tuần tra, canh gác 24/24 giờ cả bên trong và bên ngoài khu vực cách ly tập trung; lực lượng làm nhiệm vụ thực hiện nghiêm ngặt từng nhiệm vụ theo phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”; người cách ly nghiêm túc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19... Đó là những gì chúng tôi ghi nhận được tại khu cách ly tập trung ở huyện Ngọc Lặc.

Cán bộ y tế đo thân nhiệt cho công dân tại khu cách ly

Trong 2 ngày 31-3 và 1-4, huyện Ngọc Lặc tiếp nhận 95 công dân Việt Nam về cách ly y tế tại Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc. Trong số 95 công dân tiếp nhận, có 1 người bị bệnh tim đã được chuyển đến cơ sở y tế. Hiện, khu vực cách ly tập trung tại Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc còn 94 công dân của các tỉnh Thanh Hóa, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương, Vĩnh Phúc và Thừa Thiên Huế, trong đó Thanh Hóa chiếm số lượng nhiều nhất. Ngoài 6 người từng đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) được chuyển về đây cách ly, số còn lại là công dân từ Lào trở về. Trong số 94 công dân đang cách ly có 8 trẻ dưới 10 tuổi, 6 trẻ dưới 5 tuổi, 1 phụ nữ có thai và 1 cụ bà 83 tuổi. Đây là những trường hợp đầu tiên chuyển về khu cách ly tập trung tại Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc.

Khu cách ly nằm trong khuôn viên Trường THPT Dân tộc Nội trú Ngọc Lặc.

Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc có sức chứa khoảng 500 người, ở xa khu dân cư, giao thông thuận lợi, khuôn viên thoáng mát, bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất sinh hoạt như phòng ở, giường chiếu, chăn màn, trang thiết bị cần thiết, có nhà ăn, khu vệ sinh khép kín và có kết nối mạng internet. Trước khi tiếp nhận các công dân từ huyện Quan Sơn và công dân từ Cửa khẩu quốc tế Na Mèo về cách ly, Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc đã được dọn vệ sinh sạch sẽ và phun khử khuẩn bằng cloraminB, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, hậu cần, y tế và các thiết bị, dụng cụ phục vụ sinh hoạt cho công dân. Nhiều cán bộ, chiến sĩ, y, bác sĩ được giao nhiệm vụ túc trực tại khu vực cách ly để phục vụ và theo dõi sức khỏe cho công dân.

Nhằm bảo đảm an toàn trong quá trình cách ly, 94 công dân được ở theo từng khu vực riêng biệt như khu dành cho người đã cách ly được vài ngày trước đó, khu dành cho người chưa cách ly ngày nào, khu cho người về từ Bệnh viện Bạch Mai, khu dành cho nam, khu dành cho nữ, khu dành cho gia đình. Ngoài ra, nơi đây còn có thêm 2 phòng cách ly tạm thời, trong suốt quá trình cách ly nếu công dân có biểu hiện sốt, ho, khó thở, nghi ngờ nhiễm COVID-19 sẽ được đưa vào cách ly tạm thời để báo cáo ban chỉ đạo phòng chống dịch của huyện và chuyển sang cơ sở y tế theo dõi, cách ly đặc biệt. Từ ngày 1-4, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, công dân tại các phòng cũng tự cách ly, đeo khẩu trang hàng ngày, phòng nào ở phòng đó, không ra ngoài hành lang tập trung đông người và không chơi thể thao.

Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho khu cách ly cũng được thực hiện rất chặt chẽ. Bộ phận canh gác, tuần tra khu vực gồm 6 người hoạt động liên tục 24/24 giờ, bảo vệ nghiêm ngặt cả khu vực bên trong và bên ngoài khu cách ly, không để xảy ra trường hợp người bị cách ly tự ý bỏ trốn cũng như người dân bên ngoài không có nhiệm vụ vào đây. Rất nhiều phương án bảo vệ sức khỏe cho người cách ly và lực lượng làm nhiệm vụ được thực hiện, bảo đảm “nội bất xuất, ngoại bất nhập” theo quy định.

Trong cách ly, việc chăm lo từng bữa ăn cho công dân được cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện và những người tình nguyện của Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc chuẩn bị hết sức chu đáo. Mỗi ngày, ban hậu cần lên thực đơn món ăn và tự tay chuẩn bị từng suất ăn. Thực đơn mỗi bữa khá đa dạng và luôn thay đổi. Toàn bộ thực phẩm đều có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm tra kỹ càng qua nhiều khâu, có kiểm định của cơ quan phụ trách vệ sinh an toàn thực phẩm. Trang thiết bị, dụng cụ chế biến, thức ăn, đồ uống bảo đảm sạch sẽ, an toàn trước và sau khi sử dụng; thức ăn được lưu mẫu hàng ngày theo quy định. Để đảm bảo an toàn, từng suất cơm được để phía ngoài phòng cách ly, sau đó người phía trong sẽ ra lấy. Sau khi người dân ăn xong, rác ở phía ngoài sẽ được các chiến sĩ thu dọn sạch sẽ. Quy trình này giúp tránh việc tiếp xúc trực tiếp giữa lực lượng phục vụ và người cách ly.

Những ngày qua, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế tại khu cách ly đang làm việc hết công suất để giúp những người cách ly cảm thấy hài lòng, thoải mái nhất khi sinh hoạt và theo dõi sức khỏe tại đây. Đồng chí Lê Văn Kiên, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ngọc Lặc, trưởng ban điều hành khu cách ly, cho biết: “Toàn bộ cơ sở vật chất và nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ sinh hoạt trong khu cách ly đều được đáp ứng đầy đủ. Việc ăn ở, sinh hoạt của người cách ly được chăm lo chu đáo. Mỗi ngày, người cách ly được cung cấp 3 bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng. Vì vậy, người thân của người phải cách ly yên tâm, không cần tiếp tế thêm đồ dùng. Với các cháu nhỏ, nếu muốn uống thêm sữa hay ăn thêm, sẽ được tập hợp rồi báo lại người phục vụ. Chúng tôi sẽ cho mua theo đúng nhu cầu của các bé. Từ hôm thực hiện cách ly đến nay, chưa có người dân nào phản ánh hay có bức xúc gì về chất lượng bữa ăn”.

Chị Nguyễn Thị T., xã Thiệu Công (Thiệu Hóa), chia sẻ: “Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, chúng tôi vui vẻ vào khu cách ly tập trung và thực hiện đúng các biện pháp cách ly theo hướng dẫn. Chúng tôi được hỗ trợ tốt về nơi ăn nghỉ và một số đồ dùng sinh hoạt cá nhân, được phục vụ ăn uống chu đáo và được kiểm tra thân nhiệt 2 lần mỗi ngày đều đặn. Chúng tôi sẽ hợp tác cùng các cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế để chung tay đẩy lùi dịch bệnh”.

Cách ly tập trung là một trong những giải pháp cần thiết để sàng lọc, phát hiện sớm người mắc COVID-19. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của các cấp, các ngành, rất cần sự chia sẻ, đồng hành của những người phải cách ly. Tất cả vì mục tiêu ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, bảo vệ sức khỏe cho mỗi người và cho cả cộng đồng.

Tố Phương - Lê Hợi (Báo Thanh Hóa)