Trung tâm học tập cộng đồng xã Lam Sơn: Nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực

Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của ngành giáo dục, chính quyền địa phương, trong những năm qua, Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) xã Lam Sơn (Ngọc Lặc) đã tổ chức được nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.

Mô hình trồng dưa vàng Kim Hoàng Hậu của gia đình ông Trần Văn Hiền, thôn 8, xã Lam Sơn cho hiệu quả kinh tế cao.

Ngay sau khi được thành lập năm 2005, TTHTCĐ xã Lam Sơn đã tham mưu cho đảng ủy, UBND xã quan tâm xây dựng đội ngũ cộng tác viên là những người tâm huyết có trình độ, năng lực, uy tín bố trí phụ trách ở các nhóm chuyên môn, như: Tổ chính trị, thời sự pháp luật; tổ chuyển giao khoa học - kỹ thuật; tổ văn hóa - thể thao, sức khỏe, môi trường; tổ bổ túc văn hóa, dạy nghề, tin học, ngoại ngữ. Đồng thời, đầu tư trang bị máy tính kết nối mạng Internet, máy in, máy ảnh kỹ thuật số, bố trí phòng thường trực với đầy đủ hệ thống tủ sách, tủ đựng tài liệu... phục vụ các hoạt động của trung tâm. Trên cơ sở đó, để từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, trung tâm đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức về mục đích, ý nghĩa của việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời, xem học thường xuyên, học suốt đời vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của mỗi người, không phân biệt trình độ hay nghề nghiệp. Đặc biệt, trung tâm thường xuyên khảo sát, tìm hiểu nhu cầu “cần gì học nấy” của người dân, qua đó, xây dựng kế hoạch, chương trình học tập hằng tháng, hằng quý đúng và trúng mục đích, yêu cầu đề ra. Với cách làm này, trung tâm đã thu hút tới 80% người dân tham gia học tập ở các lớp học. 5 năm gần đây, TTHTCĐ xã Lam Sơn đã tổ chức được hơn 370 lớp học, thu hút trên 18.700 lượt người tham gia ở tất cả 5 nhóm nội dung như, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật; chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; nâng cao chất lượng cuộc sống... Tính từ đầu năm học 2019-2020 đến nay, trung tâm đã mở được 45 lớp, thu hút 2.250 lượt người tham gia.

Ông Trịnh Đạt Tâm, Chủ tịch UBND xã, giám đốc TTHTCĐ xã Lam Sơn cho biết: Thực hiện theo phương châm “cần gì học nấy”, thời gian qua, TTHTCĐ xã Lam Sơn đã tổ chức nhiều hình thức học tập đa dạng, nội dung phong phú. Các lớp học có khi được tổ chức tại các nhà văn hóa thôn, có lúc học thực tế tại đồi dứa hay qua việc tham quan các mô hình làm kinh tế như vườn, ao, chuồng của các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, tổ chức các hội thi, hội thảo... Qua đó, giúp người dân áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Điều này được thể hiện rõ ở thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2019 đạt 41,6 triệu đồng. Toàn xã có nhiều mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà; nhiều mô hình trồng cây ăn quả, như: dứa, mít Thái, cam, chanh, thanh long đỏ, bưởi Diễn, bưởi da xanh... cho hiệu quả kinh tế cao. Trong đó có nhiều mô hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như: Mô hình nuôi gà của gia đình ông Trần Duy Hạnh, thôn 5; mô hình chế biến gỗ, nan thanh của gia đình ông Nguyễn Văn Hà, thôn trung tâm; mô hình trồng mít Thái, vú sữa của gia đình ông Trần Văn Trực, ở thôn Minh Thủy; mô hình trồng dưa vàng Kim Hoàng Hậu của gia đình ông Trần Văn Hiền, ở thôn 8...

Với những kết quả đạt được, TTHTCĐ xã Lam Sơn luôn được đánh giá là đơn vị tiêu biểu xuất sắc của huyện và tỉnh. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay đơn vị liên tục được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen. Đây vừa là niềm vinh dự và cũng là động lực để trung tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra trong giai đoạn tới như, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời. Làm tốt công tác điều tra nhu cầu học tập từ đó xây dựng kế hoạch hoạt động, mở các lớp học phù hợp, sát với thực tế, với nhu cầu của người dân. Trong đó, chú trọng mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xây dựng đời sống văn hóa... góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng xã hội học tập của các cấp, các ngành.

Phong Sắc- Báo Thanh Hóa