Ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ở huyện Ngọc Lặc

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Ngọc Lặc đã chủ động triển khai các quy hoạch về sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đem lại thu nhập cao cho người nông dân.

Người dân xã Quang Trung phát triển mô hình trồng cây ăn quả mang lại thu nhập cao.

Một trong những giải pháp được huyện Ngọc Lặc thực hiện hiệu quả đó là khuyến khích các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), từng bước nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, cải thiện đời sống đồng bào dân tộc. Hằng năm, huyện Ngọc Lặc cũng tổ chức nhiều hoạt động phổ biến KHKT, hội thảo, tập huấn chia sẻ kinh nghiệm cho bà con nông dân nhằm chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, thực hiện các chương trình, dự án, đề án về phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH, HĐH. Các phòng, ban chuyên môn của huyện thường xuyên mở các lớp tập huấn cho hàng nghìn lượt bà con nông dân, giới thiệu các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai và tập quán sản xuất của bà con nông dân miền núi...

Bên cạnh đó, huyện cũng mời gọi nhiều chuyên gia đến từ các nước có nền nông nghiệp phát triển như: Nhật Bản, Thái Lan, Israel về hướng dẫn cho người dân cách chăm sóc, xử lý đất, phương pháp chọn giống... Với những giải pháp trên, huyện Ngọc Lặc đã xây dựng được một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đã, đang mang lại hiệu quả kinh tế. Đó là mô hình của HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Minh Sơn, xã Minh Sơn trồng dưa Kim Hoàng hậu trong nhà lưới quy mô 0,2 ha; mô hình trồng vải không hạt Nhật Bản và bơ Israel quy mô 30 ha ở xã Kiên Thọ của Công ty TNHH Nông nghiệp CNC Hồ Gươm - Sông Âm. Một số trang trại nuôi gà theo chuỗi CNC, như: Trang trại của Công ty CP Giống và Phát triển chăn nuôi Thọ Xuân quy mô 4,9 ha, công suất 936.000 con/năm ở xã Minh Tiến; trang trại của Công ty Phú Gia quy mô 8,2 ha, công suất gần 2 triệu con gà/năm ở xã Lam Sơn... Từ việc ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc ở huyện Ngọc Lặc. Theo thống kê, năm 2019, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 36,04 triệu đồng (tăng 3,84 triệu đồng so với năm 2018); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,02%... xây dựng nông thôn mới đạt bình quân 14,24 tiêu chí, trong đó có 8 xã và 91 thôn đạt chuẩn nông thôn mới.

Đồng chí Lê Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết: Để người nông dân ngày càng tiếp cận với KHKT trong sản xuất, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp bền vững; tập trung xây dựng các mô hình sản xuất mới, tăng cường hoạt động chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng KHKT; sẽ giảm diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao; từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC dọc đường Hồ Chí Minh và các xã phía Nam để giúp doanh nghiệp và người dân sản xuất bền vững, hiệu quả hơn. Cùng với hướng dẫn, hỗ trợ, huyện lựa chọn lĩnh vực có lợi thế để khuyến khích doanh nghiệp và người dân liên kết mở rộng sản xuất, tạo thành vùng sản xuất tập trung cung cấp các sản phẩm một cách bền vững. Đây cũng là tiền đề để huyện Ngọc Lặc thu hút các doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư vào các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng KHKT...

Xuân Minh - Báo Thanh Hóa