Xã Cao Ngọc đẩy mạnh phát triển kinh tế

Những năm qua, xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc) đã tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước xóa đói, giảm nghèo.

Cơ sở dệt thổ cẩm Bảo Hằng, xã Cao Ngọc tạo việc làm cho khoảng 50 lao động.

Trước đây, đời sống của người dân xã Cao Ngọc phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao. Từ thực trạng trên, xã Cao Ngọc đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đồng thời, tích cực thực hiện các nghị quyết đại hội đảng các cấp; Nghị quyết số 02-NQ/HU của Huyện ủy Ngọc Lặc về phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2021, định hướng đến năm 2025. Từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các mô hình áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của xã đã có nhiều chuyển biến tích cực, sản lượng lương thực hàng năm đạt 2.452 tấn. Trong chăn nuôi, phát huy điều kiện thuận lợi về tự nhiên, người dân xã Cao Ngọc đã mở rộng mô hình chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Để từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa hình thành liên kết, hợp tác giữa các hộ trên địa bàn xã với nhau, xã Cao Ngọc đã thành lập HTX chăn nuôi dê với 11 thành viên tham gia, tổng số đàn dê là 350 con. Qua đó, quy mô chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi dê của các thành viên được quan tâm thực hiện, trọng lượng mỗi cá thể dê được cải thiện; thị trường, giá thu mua dê ổn định, thu nhập của các hộ được nâng lên; thương hiệu dê Cao Ngọc từng bước được hình thành... Ngoài ra, trên địa bàn xã cao Ngọc còn có 2 HTX dịch vụ nông nghiệp thực hiện có hiệu quả các khâu dịch vụ, như: Cung ứng vật tư, giải phóng đất trồng mía và ký hợp đồng vận chuyển mía nguyên liệu... Hình thành tổ hợp tác chăn nuôi bò theo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với 36 hộ tham gia. Xây dựng 2 mô hình liên kết chăn nuôi gà với Công ty TNHH Thương mại Tuấn Hiền (TP Thanh Hóa) ở làng Chù với hơn 5.000 con. Bên cạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, xã Cao Ngọc còn quan tâm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân. Toàn xã hiện có 95 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp với các nghề sản xuất mộc, cơ khí, dệt thổ cẩm... đạt giá trị sản xuất hơn 24 tỷ đồng/năm, thu hút hơn 1.000 lao động tham gia. Với sự tập trung khuyến khích phát triển kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân; đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Cao Ngọc đạt 46,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,29%.

Ông Trần Xuân Lai, Chủ tịch UBND xã Cao Ngọc, cho biết: Trong thời gian qua, xã Cao Ngọc đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, đưa cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, từng bước hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa. Ổn định và duy trì đàn vật nuôi, động viên nhân dân chăn nuôi theo hướng thả vườn, dưới tán rừng. Quản lý chặt chẽ việc khai thác, trồng rừng sản xuất, hướng dẫn nhân dân đưa các giống cây để trồng rừng gỗ lớn vào sản xuất. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao giá trị thu nhập cho người dân, xã Cao Ngọc đã khuyến khích các hộ dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, có hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn của các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, xã Cao Ngọc đã đầu tư xây dựng đường giao thông nội thôn, nội đồng, nhà văn hóa, kênh mương... góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hải Đăng- Báo Thanh Hóa