Hội nghị tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2020

Sáng ngày 9 tháng 9 năm 2020, tại xã Kiên Thọ, Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Lặc tổ chức hội nghị tuyên truyền giảm thiểu tao hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2020. Dự tại hội nghị có đại diện lãnh đạo phòng Dân tộc, phòng Tư pháp, lãnh đạo xã Kiên Thọ cùng các đồng chí cán bộ dân số, cán bộ tư pháp của các xã Kiên Thọ, Phúc Thịnh, Nguyệt Ấn, Phùng Minh, Phùng Giáo.

Toàn cảnh hội nghị

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tảo hôn (TH) và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT), như: Việc kết hôn trong đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn dựa chủ yếu trên cơ sở phong tục, tập quán cũ; phụ thuộc vào sự đồng ý của cha, mẹ và những người đứng đầu trong dòng họ. Tâm lý của đồng bào muốn con cái trong gia đình yên bề gia thất sớm, có người nối dõi và có thêm lao động để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống khi bố mẹ về già. Do lứa tuổi vị thành niên bị tác động bởi internet, phim ảnh, băng đĩa... dẫn đến quan hệ tình dục và mang thai trước hôn nhân. Nhận thức và ý thức chấp hành Luật Hôn nhân và Gia đình của một bộ phận Nhân dân còn hạn chế. Điều kiện khó khăn về địa lý tự nhiên, kinh tế - xã hội dẫn đến đồng bào dân tộc thiểu số ít được giao lưu, học hỏi tiếp xúc với các vùng văn hóa khác nên có tâm lý kết hôn sớm và trong phạm vi cộng đồng hẹp để ổn định cuộc sống...

Tại hội nghị, các cán bộ làm công tác dân số, cán bộ tư pháp, các tuyên truyền viên được tìm hiểu các kiến thức hôn nhân và gia đình, các quy định của luật hôn nhân và gia đình mới nhất. Dựa theo những quy định của luật, để thực hiện tại địa phương mình tốt hơn. Bên cạnh đó, huyện Ngọc Lặc còn tuyên truyền về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để từ đó có sự tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt luật hôn nhân và gia đình.

Thông qua hội nghị đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng dân tộc thiểu số trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình; người dân đã nhận thức được tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng của việc TH, HNCHT không chỉ có tác động xấu tới sức khỏe, sinh sản... mà còn là hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. Tiến tới chấm dứt tình trạng TH, HNCHT trong đồng bào dân tộc thiểu số, dần xóa bỏ các hủ tục trong hôn nhân và gia đình, góp phần quan trọng trong việc xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan văn hóa trên địa bàn huyện. Việc giảm thiểu tình trạng TH, HNCHT đã giúp cho các cặp vợ chồng kết hôn đúng độ tuổi, có đủ sức khỏe, khả năng lao động để nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bớt gánh nặng an sinh xã hội cho địa phương.

Liên Huyền- Văn Hoà