Nông dân huyện Ngọc Lặc tăng cường chăm sóc lúa vụ xuân 2025
Những ngày này, không khí lạnh tăng cường nên thời tiết rét và mưa nhẹ, nhưng khắp nơi trên địa bàn huyện, bà con nông dân vẫn tập trung ra đồng tỉa dặm lại những diện tích lúa bị chết; làm cỏ, dẫn nước vào chân ruộng để bón thúc các loại phân bón đợt 1 giúp cây lúa nhanh phục hồi, đẻ nhánh khỏe, tập trung, sớm đạt số nhánh tối đa. Nông dân cũng áp dụng các biện pháp thủ công hoặc dùng thuốc sinh học để diệt chuột, diệt ốc bươu vàng bảo vệ cây lúa, giúp lúa xuân sinh trưởng, phát triển tốt.
Page Content

Theo kế hoạch, vụ xuân 2025, toàn huyện Ngọc Lặc gieo cấy khoảng trên 3.000 lúa, cơ cấu chủ yếu bằng các giống: Thái Xuyên 111, Quốc tế 1, TBR 225, TBR 279, MHC2, Bắc Thịnh, Tân ưu 98, Bắc thơm số 7, Khang dân Đột biến... Xác định vụ xuân là vụ chính nên để đảm bảo thắng lợi về năng suất và sản lượng lúa, ngay từ đầu vụ, huyện đã ban hành công văn chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp huyện. Đặc biệt, với những xã khó khăn về nguồn nước tưới, huyện đã chủ động phối hợp xây dựng và triển khai kế hoạch điều tiết nguồn nước hợp lý, giúp nông dân hoàn thành việc cấy dặm, bón thúc theo khung lịch mà ngành đã khuyến cáo.
Trước, trong và sau tết là thời điểm sâu bệnh hại lúa có xu hướng diễn biến phức tạp, nên sau tết, người dân đã tập trung ra đồng kiểm tra diện tích lúa đã gieo, đồng thời có các biện pháp bảo vệ giúp lúa sinh trưởng tốt. Thời điểm này, các địa phương ở Ngọc Lặc đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp chăm sóc lúa xuân như chắm dặm, đảm bảo mật độ theo quy trình kỹ thuật, tiến hành bón thúc đợt 1 để tạo đà cho lúa đẻ nhánh, sinh trưởng và phát triển tốt.
Hiện nay, cây lúa trà chính đang giai đoạn đẻ nhánh, phát triển mạnh về thân lá, đây cũng là thời điểm thường bị một số sâu bệnh phát sinh, phát triển gây hại. Bên cạnh đó do thời tiết có ẩm độ cao, thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát tán. Đồng thời, giai đoạn này bà con đang tiến hành bón thúc cho lúa đẻ nhánh, phát triển mạnh về thân lá, cũng là điều kiện để bệnh đạo ôn phát sinh gây hại và có nguy cơ lây lan trên diện rộng. Do vậy bà con cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của các đối tượng sinh vật gây hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện khuyến cáo: Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các địa phương cần động viên nông dân đồng loạt triển khai dặm tỉa lúa xuân theo quy trình kỹ thuật của từng bộ giống, đảm bảo mật độ phù hợp, sau đó tiến hành bón thúc, tạo đà cho lúa đẻ nhánh, sinh trưởng. Đối với những vùng khó khăn về nguồn nước tưới, các địa phương cần có giải pháp chủ động trong điều tiết nguồn nước, duy trì mực nước trên mặt ruộng lúa thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng tốt.
Trong điều kiện thời tiết có sương mù, độ ẩm cao như hiện nay, các xã, thị trấn cần chủ động công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo các đối tượng sinh vật gây hại ngay từ đầu vụ, trong đó tập trung các đối tượng như bệnh đạo ôn trên lá, ruồi đục nõn hại lúa... Bên cạnh đó, cần tiến hành vây bắt chuột, khoanh nilon xung quanh ruộng để bảo vệ lúa non khỏi chuột cắn phá. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân thường xuyên bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh đạo ôn để chủ động phát hiện và có giải pháp phòng trừ kịp thời, tránh phát sinh ra diện rộng.
Thuỳ Chinh - Đức Hiền