Tuyên truyền và tiêu hủy hơn 1.000 sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, mất an toàn vệ sinh thực phẩm
Sáng ngày 31/10/2023, Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh ATTP huyện Ngọc Lặc đã tổ chức tuyên truyền và tiêu hủy hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, mất an toàn vệ sinh thực phẩm dưới sự chứng kiến của 667 em học sinh Trường THCS thị trấn Ngọc Lặc.
Trước đó, Đội Quản lý Thị trường số 7 phối hợp với Văn phòng điều phối về vệ sinh ATTP huyện, Công an huyện tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm tại các địa điểm kinh doanh quanh khu vực cổng trường tiểu học, trường THCS trên địa bàn toàn huyện. Qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, Đội Quản lý thị trường số 7 cùng đoàn phát hiện gần 1.000 đơn vị sản phẩm các loại chân gà, cánh gà, ô mai, xúc xích, bánh, kẹo, thạch không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Các chủ quán không xuất trình được hóa đơn, chứng từ khi nhập hàng, bên cạnh đó có một số hàng hóa đã hết hạn sử dụng có hình thức bắt mắt, dễ gây thích thú đặc biệt là với các em học sinh. Cơ quan chức năng đã xử phạt các cơ sở kinh doanh có hàng hóa vi phạm, đồng thời nhắc nhở, tuyên truyền, ký cam kết không kinh doanh hàng giả hàng kém chất lượng hàng nhập lậu, không kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa vi phạm về an toàn thực phẩm.
Để các em học sinh tránh xa các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân, đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh ATTP của huyện Ngọc Lặc đã trực tiếp tổ chức tuyên truyền bằng hình thức trực quan nhằm nhắc nhở để học sinh nhận biết các loại hàng hóa không đảm bảo an toàn. Nếu mua, sử dụng thực phẩm cần lưu ý chỉ mua, sử dụng thực phẩm có đầy đủ các thông tin về sản phẩm trên bao bì hàng hóa bằng tiếng Việt Nam như: Tên sản phẩm, thành phần, hướng dẫn sử dụng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, nơi sản xuất. Tuyệt đối không mua, không dùng thực phẩm không có nhãn hàng hóa không có tiếng Việt Nam, hàng hóa không có ngày sản xuất, hạn sử dụng. Đây là cách làm hữu hiệu để tuyên truyền, nhắc nhở, nâng cao ý thức cho các em học sinh để tự bảo vệ sức khỏe bản thân, tránh xa các loại thực phẩm không bảo đảm. Ngay sau đó, đoàn đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ số hàng đã thu giữ.
Việc mua và ăn đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc đã xảy ra không ít vụ việc học sinh bị ngộ độc. Thậm chí, nhiều đồ ăn có chứa cả chất kích thích, ảnh hưởng đến sức khỏe và thần kinh lâu dài đối với các em học sinh. Bởi vậy, thời gian tới lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra tại các khu vực quanh các trường học để kiểm soát tình trạng bán hàng không rõ nguồn gốc; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm. Các nhà trường thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các em học sinh cần nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm tại các buổi chào cờ đầu tuần, buổi học ngoại khóa. Đồng thời phối hợp với phụ huynh ngăn chặn tình trạng ăn đồ vặt thiếu an toàn của học sinh, yêu cầu phụ huynh không cho con mang tiền theo để mua đồ ăn vặt. Để hạn chế tình trạng mua bán đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc quanh trường học thì cần có sự vào cuộc đồng bộ từ phía cơ quan chức năng, nhà trường, phụ huynh và cả những người buôn bán kinh doanh gần cổng trường.
Thùy Chinh - Đức Hiền