Tập huấn quy trình thâm canh và quản lý dịch hại trên cây lúa vụ Xuân năm 2025 cho bà con nông dân xã Phùng Minh

Sáng ngày 10/04, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND xã Phùng Minh tổ chức tập huấn quy trình thâm canh và quản lý dịch hại trên cây lúa vụ Xuân năm 2025 cho bà con nông dân xã Phùng Minh.

Tại buổi tập huấn, bà con nông dân được nghe cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn các quy trình, kỹ thuật thâm canh, chăm sóc lúa và quản lý dịch hại trên cây lúa, nhất là kỹ thuật bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng thời điểm cũng như liều lượng sử dụng và những điều kiện cần và đủ để cây lúa sinh trưởng và phát triển đạt năng suất tối ưu. Ngoài ra, bà con nông dân được tiếp thu các quy trình, kiến thức về cách thức chăm sóc phòng trừ sâu bệnh hại lúa và các biện pháp phòng trừ các loại bệnh về lúa như: Bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, vàng lá do đốm sọc vi khuẩn, sâu hại lúa, sâu cuốn lá nhỏ, biện pháp diệt chuột hại lúa... Khi phát hiện ruộng chớm bị bệnh, tuyệt đối không bón các loại phân đạm và thuốc kích thích sinh trưởng, cần giữ đủ nước trong ruộng và phun thuốc trừ bệnh ngay, pha và phun theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc; đúng liều lượng, nồng độ; đúng thời điểm; đúng cách).

Hiện nay, cây lúa trà chính và trà muộn đang ở giai đoạn làm đòng. Qua kết quả kiểm tra đồng ruộng của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho thấy đối tượng chuột đang gây hại cục bộ trên cây lúa tại xã: Kiên Thọ, Thạch Lập, Quang Trung, Minh Tiến, Vân Am, Phùng Minh và một số xã khác, chuột là đối tượng dịch hại nguy hiểm và khó quản lý nếu như phòng trừ không kịp thời. Cần xác định thời điểm diệt chuột cụ thể, tốt nhất nên tổ chức diệt chuột trước khi lúa làm đòng và để diệt chuột hiệu quả cần kết hợp nhiều biện pháp như: biện pháp canh tác, biện pháp vật lý cơ học, biện pháp sinh học, biện pháp hóa học. Trong đó lưu ý người dân phát quang bờ bụi, làm sạch cỏ ven bờ, tìm và phá hang ổ chuột, thu dọn rơm rạ sau thu hoạch để hạn chế nơi cư trú của chuột; Sử dụng bẫy cơ học để bẫy chuột. Tìm kiếm các hang, ổ của chuột để đào, đổ nước, hun khói, hoặc soi đèn để thu bắt. Dùng rào cản bao quanh ruộng hoặc bẫy hàng rào cản; khuyến khích phát triển đàn mèo nuôi để diệt chuột và đảm bảo cân bằng sinh thái.

Qua buổi tập huấn, đã giúp bà con nông dân nắm chắc hơn về kỹ thuật chăm sóc cũng như phòng trừ hiệu quả các đối tượng gây hại trên lúa góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và sản xuất nông nghiệp theo hướng ổn định, bền vững ở địa phương.

Thuỳ Chinh - Tiến Minh