Chiều ngày 20/1, tại Trung tâm Chính trị huyện, phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện Ngọc Lặc đã tổ chức Hội nghị giao ban tổng kết hoạt động ủy thác giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị - xã hội năm 2024. Triển khai nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Hồ Minh Hoàn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện khai mạc chủ trì hội nghị.

Trong năm 2024, NHCSXH huyện đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được chuyển tải kịp thời đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội và an sinh xã hội, tạo việc làm trên địa bàn huyện, đặc biệt đã góp phần đạt được mục tiêu 20 xã về đích nông thôn mới.
Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 621,6 tỷ đồng, chiếm 99,28% tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn; tăng so với đầu năm 7%. Cụ thể, Hội Liên hiệp Phụ nữ đạt 224,9 tỷ đồng, chiếm 39,5% tổng dư nợ ủy thác, tăng 12,7 tỷ đồng so với đầu năm; Hội Nông dân đạt 161,8 tỷ đồng, chiếm 26% tổng dư nợ ủy thác, tăng 14,1 tỷ đồng so đầu năm; Hội Cựu chiến binh đạt 77,7 tỷ đồng, chiếm 12,5% tổng dư nợ ủy thác, tăng 6,4 tỷ đồng so với cuối năm 2023; Đoàn Thanh niên đạt 137,2 tỷ đồng, chiếm 22% tổng dư nợ ủy thác, tăng 7,5 tỷ đồng so với cuối năm 2023.

Hoạt động giao dịch xã được duy trì ổn định tại 21 xã thị trấn. Chất lượng giao dịch xã luôn được nâng lên, trong năm 2024 điểm đánh giá chất lượng hoạt động giao dịch xã đạt 96 điểm. Thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát của các tổ chức chính trị xã hội đối với hoạt động tín dụng, ủy thác góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại địa phương.
Phát biểu khai kết luận hội nghị, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Ngọc Lặc Hồ Minh Hoàn cho biết: Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương là một trong những điểm sáng của hoạt động tín dụng chính sách trong năm 2024. Qua đó cho thấy, chính quyền tin tưởng hơn vào mô hình, hoạt động của NHCSXH, nguồn vốn chính sách đã góp phần quan trọng trong thực hiện hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Nguồn vốn uỷ thác từ ngân sách địa phương đã đáp ứng nhu cầu về vốn cho các đối tượng có nhu cầu để đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển các mô hình kinh tế, nâng cao nguồn thu nhập, ổn định đời sống.

Đồng chí cũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện dịch vụ ủy thác, góp phần quan trọng vào thực hiện và nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách. Để phát huy những kết quả đạt được, Giám đốc NHCSXH huyện đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế trong thực hiện dịch vụ ủy thác tại các cấp hội, kịp thời chuyển tải các nguồn vốn chính sách. Tiếp tục phối hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư trong giai đoạn mới; Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, đảm bảo an toàn cho hoạt động giao dịch xã, hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp triển khai công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác ủy thác các cấp và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi, đặc biệt các chủ trương, chính sách mới cho người dân. Động viên, hướng dẫn người nghèo và các đối tượng chính sách khác mạnh dạn vay vốn, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sử dụng vốn và hoàn trả vốn vay. Triển khai ứng dụng công nghệ số trong quản lý hoạt động ủy thác; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác của tổ chức chính trị - xã hội các cấp; chỉ đạo các đơn vị theo ngành dọc tổ chức thực hiện tốt các nội dung ủy thác trong đó, triển khai việc chấm điểm đánh giá chất lượng hoạt động ủy thác, hướng dẫn quy trình, phương pháp kiểm tra giám sát hoạt động ủy thác theo các văn bản mới ban hành.