Chiều ngày 26/8, huyện Ngọc Lặc đã long trọng tổ chức toạ đàm kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Chi bộ Bắc Sơn - Tiền thân của Đảng bộ huyện Ngọc Lặc (27/8/1949 - 27/8/2024). Công bố Quyết định và trao giải Cuộc thi tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ huyện Nam Giang 75 năm hình thành và phát triển (28/6/1949 - 28/6/2024). Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; Thiếu tướng Trần Phú Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an Tỉnh. Các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các mẹ Việt Nam Anh hùng; đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo các huyện, thị, thành phố trong tỉnh; các đồng chí đại diện Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện Nam Giang, tỉnh Quang Nam do đồng chí La Lim Hậu, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện làm Trưởng đoàn và đông đảo các cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Ngọc Lặc.

Toạ đàm kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Chi bộ Bắc Sơn - Tiền thân của Đảng bộ huyện Ngọc Lặc được bắt đầu với chương trình văn nghệ đặc sắc với các tiết mục ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và đậm nét con người Ngọc Lặc cùng với tình đoàn kết hữu nghị giữa Thanh Hoá - Quảng Nam.
Lễ kỷ niệm được trang trọng bắt đầu, bằng diễn văn khai mạc của đồng chí Bùi Huy Toàn, PBT Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện.
Tiếp đó, đồng chí Phạm Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Bí Thư Huyện ủy trình bày Báo cáo truyền thống 75 năm hình thành và phát triển của Đảng bộ huyện Ngọc Lặc.

Ngày 27/8/1949, tại Chòm Mặn, xã Phúc Thành, nay là thôn Minh Phong xã Ngọc Sơn, huyện Ngọc Lặc, Chi bộ Bắc Sơn, tiền thân của Đảng bộ huyện Ngọc Lặc được thành lập. Từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945 vấn đề Thượng du Thanh Hoá được Đảng, Chính phủ, Bác Hồ quan tâm sâu sắc và chăm lo về mọi mặt. Đầu năm 1948 Ban cán sự miền Tây cử đoàn cán bộ công tác đến Ngọc Lặc xây dựng tổ chức đoàn thể, tổ chức lực lượng thành lập ra Hội kháng chiến đã làm nòng cốt cho các phong trào, thu hút hội viên. Toàn huyện có tổ chức Hội ở 12 xã với 75 hội viên, làm cơ sở cho việc thành lập tổ chức Đảng sau này.

Được sự chỉ đạo trực tiếp của Ban cán sự Đảng miền Tây, chi bộ 824 và đồng chí Lê Đình Sằn, Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban cán sự miền Tây thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Hội nghị thành lập chi bộ. Ngày 27/8/1949 tại chòm Mặn, xã Phúc Thành (nay là thôn Minh Phong, xã Ngọc Sơn) các đồng chí đảng viên đã họp, thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện gồm 9 đồng chí, chi bộ lấy tên là chi bộ Bắc Sơn (tiền thân của Đảng bộ huyện ngày nay), đồng chí Nguyễn Chiến Thắng được bầu làm Bí thư Chi bộ. Từ đây Nhân dân các dân tộc Ngọc Lặc và phong trào cách mạng huyện nhà đã chính thức có tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo.

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Ngọc Lặc.
Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khoá I, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất đã được triển khai trở thành các phong trào cách mạng của cán bộ và Nhân dân các dân tộc Ngọc Lặc. Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc trên quê hương đã thu được nhiều thắng lợi. Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, từ 9 đảng viên ban đầu, đến nay, Đảng bộ huyện đã có 48 đảng bộ, chi bộ trực thuộc và có 7.170 đảng viên sinh hoạt. Kể từ khi thành lập đến nay Đảng bộ huyện đã trải qua 24 kỳ Đại hội. Qua mỗi kỳ Đại hội Đảng, là mỗi lần Đảng bộ huyện tự nhìn nhận đánh giá, quan trọng là phải tìm ra hướng đi phù hợp để lãnh đạo Nhân dân từng bước phát triển kinh tế -xã hội, nâng cao thực sự chất lượng cuộc sống mọi mặt của người dân. Từ Đại hội lần thứ XXI đến đại hội lần thứ XXIV, Đảng bộ huyện đã nhìn nhận và xác định tiềm năng, lợi thế chính phát triển Ngọc Lặc là phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với công nghiệp và dịch vụ, để đề ra cơ cấu kinh tế theo hướng trọng tâm, thích hợp nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư đưa huyện nhà đi lên. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 4,69%. Quy mô giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 5.254 tỷ đồng, gấp 1,14 lần năm 2020. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm xuống, ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ tăng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2023 (tính đến 29/2/2024) ước đạt 10.385 tỷ đồng, bằng 75,25% mục tiêu cả nhiệm kỳ 2020-2025.

Lĩnh vực nông nghiệp phát triển khá toàn diện theo hướng bền vững, tốc độ tăng trưởng năm 2023 đạt 4,7%, nổi bật là: Sản phẩm vải không hạt (vải Ngọc) được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh, thu hút được các dự án lớn về nông nghiệp do Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư. Năng suất, sản lượng một số cây trồng chủ lực như lúa, ngô duy trì ổn định ở mức cao, tổng sản lượng lương thực bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 56.850 tấn.

Các đại biểu tham dự buổi Tạo đàm.
Huyện đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư xây dựng các dự án trên địa bàn huyện. Năm 2014, huyện đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư, cấp phép cho 3 nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 1.400 tỷ đồng. Hiện nay, toàn huyện có khoảng trên 1.500 doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động có thu nhập ổn định. Nổi bật trong sản xuất công nghiệp là: Nhà máy may Việt Pan Pacific Thanh Hóa, Nhà máy may Hồ Gươm, Công ty Cổ phần sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh, Công ty cổ phần phân bón Phúc Thịnh, Hoàn thành giai đoạn 1 Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 1,....

Đồng chí Bùi Huy Toàn, PBT Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện đọc bằng diễn văn khai mạc.
Hiện nay nhiều dự án lớn đang được triển khai thực hiện như: Tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Ngọc Lặc, 02 dự án đầu tư đường trung hạn (Nâng cấp tuyến từ xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc đi thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định; nâng cấp tuyến đường từ xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc đi xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân), dự án nhà máy sản xuất gia công giày dép xuất khẩu Ngọc Lặc (của tập đoàn Hong - fu tại xã Quang Trung), dự án nhà máy sản xuất đồ chơi, may mặc và giày da Minh Sơn; dự án cụm công nghiệp Minh Tiến, dự án nhà máy xử lý rác thải tập trung tại xã Minh Sơn,…

Đồng chí Phạm Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Bí Thư Huyện ủy trình bày Báo cáo truyền thống 75 năm hình thành và phát triển của Đảng bộ huyện.
Chương trình xây dựng nông thôn mới và diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đến nay số xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn huyện là 17/20 xã (03 xã dự kiến hoàn thành trong quý III năm 2024) nâng tỷ lệ xã NTM toàn huyện bằng 100% xã; có 01 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; tổng số thôn đạt chuẩn NTM và hoàn thành chương trình xây dựng NTM đạt 80,9% thôn; 3 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tiêu chí bình quân xã NTM nâng cao đạt 13/19 tiêu chí. Huyện đạt 4/9 tiêu chí huyện NTM. Huyện đang tiếp tục hoàn thiện, đẩy nhanh các chương trình, dự án...nhằm đảm bảo các tiêu chí, phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới vào năm 2025.
Huyện đã phát động các phong trào phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng NTM.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh phát biểu chúc mừng.
Trong những năm qua, huyện đã tích cực kêu gọi đầu tư Tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Ngọc Lặc (AFD): Đến nay, đã lựa chọn được đơn vị thi công, Cơ quan phát triển pháp (AFD) đã có lệnh khởi công đối với một số hạng mục như: Tuyến đường giao thông: 3,85km thuộc 03 tuyến đường số 2,3,4 và 04 cầu trên tuyến số 1,3,4; xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải: Xây dựng nhà máy xử lý nước thải; 04 trạm bơm; 01 cầu tuyến đường vào trạm xử lý nước thải; xây dựng và mở rộng hệ thống cấp nước đô thị Ngọc Lặc: Mở rộng nhà máy nước sạch và 03 trạm bơm; Hồ điều hòa.

Đại diện lãnh đạo huyện Ngọc Lặc và huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam trao giải Cuộc thi tìm hiểu 75 năm lịch sử Đảng bộ huyện Nam Giang.
Sự nghiệp văn hóa, xã hội tiếp tục chuyển biến tiến bộ. Công tác giáo dục đào tạo có nhiều chuyển biến cả về chất lượng dạy - học và cơ sở vật chất. Chất lượng giáo dục luôn được xếp trong tốp đầu 11 huyện miền núi. Các giá trị văn hoá truyền thống, lễ hội, nghệ thuật dân gian từng bước được khơi dậy. Đã tôn tạo xây dựng nhiều di tích được tỉnh cấp bằng công nhận, điển hình như: Khu di tích lịch sử danh lam thắng cảnh hang Bàn Bù, thị trấn Ngọc Lặc; Đền Lê Lâm, Đền Bà Chúa Trầm xã Phùng Giáo, đền Cọn xã Cao Ngọc.....
Công tác quốc phòng được tăng cường; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững, ổn định; không xảy ra vụ việc “đột xuất, bất ngờ” hình thành điểm nóng. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội luôn được xác định là nhiệm vụ then chốt, hết sức quan trọng trong mọi thời kỳ.

Đại diện lãnh đạo huyện Ngọc Lặc và huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam trao giải Cuộc thi tìm hiểu 75 năm lịch sử Đảng bộ huyện Nam Giang.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy biểu dương, đánh giá cao những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Ngọc Lặc đã đạt được trong suốt 75 năm qua. Để thực hiện mục tiêu năm 2025 trở thành huyện NTM của tỉnh, đồng chí PBT Tỉnh uỷ đề nghị huyện Ngọc Lặc cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm.
Nhân dịp này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tặng Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Ngọc Lặc lẵng hoa tươi thắm.
Nhân dịp này, Ban Tổ chức Cuộc thi của huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam và Ban Tổ chức Cuộc thi huyện Ngọc Lặc đã trao giải cho các tập thể, cá nhân đạt giải.