Hiện nay, các xã, thị trấn đã và đang tập trung thực hiện tiêm phòng đợt 1/2025 cho đàn gia súc, gia cầm (GSGC) và đàn chó, mèo nhằm phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất những thiệt hại, để phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững.

Để phấn đấu hoàn thành công tác tiêm phòng đợt 1 năm 2025 theo đúng kế hoạch đã đề ra, từ kế hoạch đã được xây dựng, huyện chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh và thực hiện tiêm phòng bắt buộc 100% GSGC, đàn chó, mèo trong diện tiêm theo quy định.
Trước khi tiến hành tiêm, các xã, thị trấn đã đẩy mạnh công tác tuyên tuyền bởi xác định tuyên truyền là một trong những công tác quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả tiêm phòng. Bởi vậy, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó hình thức lấy ví dụ cụ thể để người dân dễ hiểu và nghiêm túc thực hiện; nhất là về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại, biện pháp phòng chống bệnh... Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc công tác rà soát tổng đàn, nhất là đối với đàn chó, mèo phải được cập nhập số liệu hằng ngày, có sổ theo dõi, thống kê chi tiết đến tận từng hộ có xác nhận trưởng thôn, tổ dân phố, để đảm bảo tiêm phòng đạt 100% diện tiêm. Tại các xã, thị trấn, trung tâm đã cử cán bộ thường xuyên xuống kiểm tra, giám sát quy trình kỹ thuật tiêm phòng, kịp thời nắm bắt và khắc phục sai sót trong thực hiện tiêm phòng; thực hiện tiêm theo phương pháp cuốn chiếu để tránh bỏ sót.
Đối với đàn chó, mèo, trung tâm đã yêu cầu ban chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao vai trò, trách nhiệm, tập trung mọi nguồn lực, nhân lực, vật lực cho công tác tiêm phòng. Theo đó, lực lượng trực tiếp tiêm phòng phải được trang bị đầy đủ kiến thức, dụng cụ phòng hộ, chuyên dụng để bắt chó, mèo; các hộ phải nhốt, giữ chó, mèo trước, sau khi tiêm để phục vụ công tác tiêm phòng và theo dõi... Đến nay, công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi trên địa bàn huyện đạt tỷ lệ khá cao với đàn trâu, bò, gia cầm đạt hơn 80%, tỷ lệ tiêm vắc-xin dại chó, mèo đạt khoảng trên 90% và vẫn tiếp tục thực hiện tiêm vét.
Trong công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi, tại huyện gặp nhiều khó khăn do lực lượng thú y mỏng, phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên ảnh hưởng đến tiến độ tiêm; nhất là đối với những thôn có địa hình đi lại khó khăn. Bên cạnh đó, chăn nuôi quy mô nhỏ, lẻ, người dân còn xem nhẹ công tác tiêm phòng. Tại nhiều xã, gia súc còn chăn nuôi theo phương thức chăn thả xa nơi ở, nên khi cán bộ thú y triển khai tiêm phòng thì phải thông báo trước hoặc phải chờ đến tối để đàn vật nuôi về chuồng nhốt mới tiến hành tiêm, do đó cán bộ thú y bị động về thời gian tiêm...
Có thể khẳng định, việc tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi hiện là một trong những biện pháp chủ động, hữu hiệu để phòng chống và ngăn ngừa dịch bệnh, đảm bảo chăn nuôi phát triển ổn định và bền vững.