Huyện Ngọc Lặc chủ động phòng, chống bệnh khảm lá sắn
Vụ Xuân năm 2025, huyện Ngọc Lặc đã trồng được 1.690,5ha/1.600 ha sắn theo kế hoạch. Hầu hết diện tích sắn đang trong giai đoạn cây con tầm 7 lá. Tính đến ngày 09/04/2025 toàn huyện có 12,6ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá. Bệnh khảm lá sắn do virus gây ra. Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá sắn là khảm vàng loang lổ trên lá. Mức độ hại nhẹ là không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ, mức độ hại nặng làm cho lá sắn xoăn, cong queo, nhăn nhúm. Cây sắn nhiễm bệnh sẽ không cho thu hoạch hoặc làm năng suất giảm từ 30 - 90%, hàm lượng tinh bột giảm từ 40 - 60%.
Page Content

Bà Phùng Thị Phương, thôn Thọ Phú, xã Kiên Thọ cho biết: “năm ngoái, cây sắn cũng đã bắt đầu xuất hiện tình trạng lá bị đốm vàng và xoăn, nhưng diện tích bị nhiễm bệnh còn ít. Tuy nhiên năm nay, tình trạng bệnh diễn biến nghiêm trọng hơn. Nhà bà trồng hơn gần 10ha sắn thì đến gần nữa bị nhiễm bệnh. Năng suất năm nay có thể giảm mạnh so với mọi năm. Về giống sắn đang trồng, gia đình tôi sử dụng lại giống cũ năm ngoái nhưng không nghĩ năm nay sắn lại nhiễm bệnh nặng và nhiều đến như vậy”.
Thời gian qua, để chủ động phòng, chống bệnh khảm lá sắn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với các xã, thị trấn thống kê diện tích sắn, thời gian trồng, cơ cấu và nguồn gốc giống sắn. Thường xuyên cập nhật thông tin, theo dõi sát diễn biến tình hình sâu bệnh trên cây sắn để kịp thời thông tin cảnh báo cho Nhân dân biết; tăng cường điều tra, phát hiện sớm dịch bệnh; hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá sắn. Đồng thời hướng dẫn bà con nông dân phun thuốc trừ bọ phấn trắng cũng như tiến hành nhổ bỏ, tiêu hủy và xử lý những diện tích đã bị nhiễm bệnh nặng theo quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá sắn.

Biện pháp xử lý khi ruộng sắn bị bệnh: Từ khi trồng đến 2 tháng tuổi, thường xuyên kiểm tra, phát hiện, nhổ bỏ và tiêu hủy triệt để (phơi khô, băm nát, chôn, lấp hoặc đốt), những cây sắn có biểu hiện nặng, cây thấp lùn không có khả năng cho năng suất. Sau 2 tháng tuổi, nếu mức độ nhiễm nhẹ (dưới 25% số cây và diện tích lá trên cây bị hại), tăng cường chăm sóc bằng các biện pháp bổ sung phân bón dễ tiêu (phân hữu cơ vi sinh), tưới nước đầy đủ để tăng sức đề kháng bệnh và giảm thiệt hại về năng suất; khi thu hoạch củ tiến hành tiêu huỷ thân cây sắn bị bệnh, không lấy thân cây sắn bị bệnh khảm lá để làm giống. Nếu mức độ nhiễm từ 25% đến dưới 70% số cây và diện tích lá trên cây bị hại tiến hành nhổ bỏ, tiêu huỷ triệt để các cây bị bệnh phun kép 2 lần, cách nhau từ 7-10 ngày để trừ bọ phấn trắng, chăm sóc các cây chưa bị bệnh bằng cách bổ sung phân bón và tưới nước đầy đủ.
Trường hợp bị nặng trên 70% số cây và số lá thì tiến hành tiêu huỷ triệt để cả ruộng và chuyển sang trồng cây trồng khác theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn cấp huyện. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người sản xuất về tác hại của bệnh khảm lá sắn, các biện pháp phòng trừ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh khảm lá sắn gây ra.
Thuỳ Chinh - Tiến Minh