Huyện Ngọc Lặc tăng cường chăm sóc lúa Xuân 2025
Hiện nay trên cây lúa vụ Xuân năm 2025, trà chính đang giai đoạn cuối đẻ nhánh - đứng cái, trà muộn đang giai đoạn đẻ nhánh rộ. Từ đầu vụ đến nay thời tiết diễn biến phức tạp, đầu vụ gặp rét đậm, rét hại, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của mạ và lúa mới cấy; cuối tháng 02, đầu tháng 03 thời tiết có sương mù dày đặc, mưa phùn là điều kiện thuận lợi để cây lúa sinh trưởng tốt, nhưng cũng là điều kiện thuận lợi để dịch hại phát sinh gây hại, đặc biệt là bệnh đạo ôn lá trên lúa.
Page Content

Qua điều tra, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ngọc Lặc phát hiện trên cây lúa đã phát sinh gây hại một số đối tượng dịch hại như: Bệnh đạo ôn lá, Bệnh nghẹt rễ-ngộ độc hữu cơ, đặc biệt là chuột gây hại ngay từ đầu vụ, gây hại mạnh trên lúa trà chính giai đoạn cuối đẻ nhánh-đứng cái tại các khu ruộng gần gò đồi, bờ rừng. Tỷ lệ hại 5%, nơi cao 10% (cục bộ 30%) diện tích bị hại 13,5ha trong đó hại nhẹ 10,0ha, hại trung bình 3,5ha gây hại chủ yếu tại các xã: Kiên Thọ, Thạch Lập, Quang Trung, Minh Tiến, Vân Am.
Ngoài ra, còn các đối tượng ốc bưu vàng, bọ trĩ, dòi đục nõn, sâu cuốn lá nhỏ, tỷ lệ thấp, mật độ rải rác. Trước diễn biến của tình hình thời tiết và diễn biến tình hình dịch hại, để chủ động tăng cường công tác chăm sóc và phòng trừ dịch hại trên cây lúa vụ Xuân năm 2025, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ngọc Lặc đề nghị UBND các xã, thị tập trung chỉ đạo Khuyến nông viên cơ sở hướng dẫn bà con nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi bón phân thúc đẻ nhánh cho cây lúa đúng thời điểm để lúa đẻ nhánh khỏe, đẻ nhánh tập trung; bón phân cân đối, không bón thừa đạm, kết hợp làm cỏ sục bùn. Tuyên truyền người dân thường xuyên thăm đồng, điều tra phát hiện các đối tượng dịch hại như: bệnh đạo ôn, chuột, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân,… để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Khuyến cáo bà con nông dân không phun thuốc trừ sâu sau gieo cấy 35 - 40 ngày để bảo vệ thiên địch, tránh bùng phát dịch hại ở các giai đoạn sau.

Khi phát hiện ruộng chớm bị bệnh, tuyệt đối không bón các loại phân đạm và thuốc kích thích sinh trưởng, cần giữ đủ nước trong ruộng và phun thuốc trừ bệnh ngay, pha và phun theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc; đúng liều lượng, nồng độ; đúng thời điểm; đúng cách).
Đối với Chuột: Cần xác định thời điểm diệt chuột cụ thể, tốt nhất nên tổ chức diệt chuột trước khi lúa làm đòng và để diệt chuột hiệu quả cần kết hợp nhiều biện pháp như: biện pháp canh tác, biện pháp vật lý cơ học, biện pháp sinh học, biện pháp hóa học. Trong đó lưu ý người dân phát quang bờ bụi, làm sạch cỏ ven bờ, tìm và phá hang ổ chuột, thu dọn rơm rạ sau thu hoạch để hạn chế nơi cư trú của chuột; Sử dụng bẫy cơ học để bẫy chuột như: bẫy kẹp, bẫy lồng, bẫy dây, bẫy bán nguyệt, bẫy ống tre, bẫy lật, bẫy di động,… Tìm kiếm các hang, ổ của chuột để đào, đổ nước, hun khói, hoặc soi đèn để thu bắt. Dùng rào cản bao quanh ruộng hoặc bẫy hàng rào cản; khuyến khích phát triển đàn mèo nuôi để diệt chuột và đảm bảo cân bằng sinh thái.
Thuỳ Chinh - Đức Hiền