Thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”(OCOP), huyện Ngọc Lặc đã và đang tích cực thực hiện tốt công tác tuyên truyền, từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng các sản phẩm nông sản đặc trưng thành sản phẩm OCOP.

UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình OCOP, khuyến khích các tổ chức kinh tế trên địa bàn các xã, thị trấn tham gia. Chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng sản phẩm đặc trưng bảo đảm các tiêu chí như lợi thế về nguồn gốc, thế mạnh của địa phương và có tính bền vững. Từ đó, nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân. Đồng thời, hướng dẫn các chủ thể tham gia Chương trình OCOP tập trung cải tiến, hoàn thiện về tạo mã QRcode, in nhãn mác, thiết kế bao bì sản phẩm, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng website bán sản phẩm trực tuyến...
Sau hơn 04 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã được cấp ủy, chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị và người dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Các xã, thị trấn triển khai Chương trình OCOP theo quy mô khác nhau, đã xây dựng và phát triển nhiều chủng loại sản phẩm hàng hóa đa dạng, thể hiện sự sáng tạo của người dân; Các hoạt động hỗ trợ được tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, có chiều sâu, việc lựa chọn đăng ký sản phẩm, đơn vị tham gia đáp ứng yêu cầu, nội dung của Chương trình. Các sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt sản phẩm nông nghiệp rất đa dạng về chủng loại và đều có khả năng phát triển, được chuẩn hóa, nên rất thuận lợi cho việc đánh giá phân hạng sản phẩm. Chủ thể là HTX tham gia chiếm tỷ lệ cao, phù hợp với mục tiêu quan trọng của Chương trình OCOP là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh và có nhiều thanh niên trẻ có trình độ, nhiệt huyết khởi nghiệp từ nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm để tham gia Chương trình.
Các sản phẩm của OCOP của huyện Ngọc Lặc được khách hàng trên địa bàn toàn tỉnh quan tâm, các nhà phân phối và nhiều đơn vị tham gia đã ký được hợp đồng phân phối với các siêu thị, đại lý. Đến nay huyện Ngọc Lặc đã có 17 sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm OCOP ba sao cấp tỉnh. Với cách triển khai thực hiện phù hợp, Chương trình OCOP thực sự đã đi vào thực tế và mang lại hiệu quả thiết thực trên địa bàn huyện. Với những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chương trình tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia đăng ký ý tưởng, phát triển và hoàn thiện sản phẩm để nâng cao giá trị. Đồng thời thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp lợi thế, đặc trưng thế mạnh. Đặc biệt, duy trì các sản phẩm OCOP đã được công nhận; nâng hạng và định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, hướng đến chất lượng cao, sản xuất và tiêu thụ ổn định, bền vững, không dàn trải, làm theo phong trào.

Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, huyện Ngọc Lặc tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục tiêu, lợi ích, ý nghĩa và cách thức tổ chức thực hiện chương trình OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng của huyện, các xã, thị trấn. Hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP gắn với tiêu chí phát triển sản xuất trong Bộ tiêu chí NTM. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP; phát triển mới, nâng cấp các điểm bán hàng OCOP; tổ chức các hội chợ chuyên sản phẩm OCOP... Ban hành các cơ chế, chính sách theo hướng ưu tiên hỗ trợ khuyến khích phát triển các sản phẩm được chế biến và chế biến sâu; hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP.
Những kết quả của Chương trình mỗi xã một sản phẩm là nền tảng vững chắc để huyện Ngọc Lặc thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng bền vững, lâu dài. Hiện huyện đang chỉ đạo các địa phương xây dựng sản phẩm phải dựa vào thực tế, xác định có thể phát triển thành chủ lực, sau đó quy hoạch vùng sản xuất, hỗ trợ xây dựng các sản phẩm theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, các hoạt động quảng bá và đưa các sản phẩm đặc trưng của huyện đến với thị trường. Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ như hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển kinh tế gia trại, trang trại… Vận dụng linh hoạt, lồng ghép các nguồn vốn để tập trung phát triển từng sản phẩm cụ thể.