Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
361 người đã bình chọn
729 người đang online

Những đêm hội Mường

Đăng ngày 23 - 04 - 2018
100%

(THO) - Tôi đi qua mùa xuân, đi qua nhiều nhiều xuân giêng đẹp đẽ để lớn lên. Như cây lúa ở đồng người ngậm phù sa mà xanh tốt. Như cây bông trăng trên núi mường mình uống sương trời, ăn mùn lá rừng, mục cây mà nở nên sắc hoa thơm tho, rực rỡ đồi thung.

Múa Pồn Pôông - di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia ở huyện Ngọc Lặc

Yêu mùa xuân là bởi có những lễ hội Mường. Nhớ mùa xuân là nhớ điệu Pồn Pôông dập dìu đêm lửa, nhớ tiếng cồng chiêng trầm bổng vọng vang vách núi, lan lan khắp khắp những thung sương. Những mùa hò hẹn mùa yêu đơm nở, nhớ quả còn xanh đỏ bay trong mắt người thương mến, muốn níu nhau cứ ở đừng về. Nhớ vò rượu cần say mê tình nghiêng xiêu khúc Xường Lơi cùng  tình làng nghĩa xóm, bè bạn chín bản mười mường gần xa... 

Hội Mường là linh hồn mùa xuân ở mường tôi từ khi đẻ đất đẻ nước. Xuân giêng về Ngọc Lặc, đi qua nào Mường Rặc, Mường Yến, Mường Tạ, Mường Chiềng,  Mường Quạc,  Mường Lai, Mường Khén... Đến chốn nào cũng gặp hội. Mường nào cũng hội, làng nào cũng hội. Hội nào cũng làm lòng thích thú và yêu mến. Thế nhưng, có một lễ hội Mường lạ lùng nhất, đặc biệt nhất làm tôi cứ mãi nhớ về với một niềm cảm yêu mến đến nghẹn ngào. Đó là lễ hội Mường được tổ chức hằng năm vào rằm giêng tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Ngọc Lặc.  
 
Sau những ngày nghỉ dài, chiều mùng Năm tháng giêng thầy và trò Trường Nội trú Ngọc Lặc tập trung trở lại. Bao nhiêu rộn ràng, bao nhiêu niềm vui, bao nhiêu hân hoan, thỏa bao nhớ nhung, lòng bọn trẻ vẫn chênh chao lắm. Dư vị tết ở mường còn vấn vít trong trí nhớ, trong cảm thức, nó càng cồn cào khi đâu đó xa gần cứ rộn ràng, văng vẳng tiếng cồng chiêng lễ hội. Nỗi nhớ nhà, nhớ mường cứ dâng lên trong lòng những học trò nhỏ. Nhưng sau buổi chào cờ, phát động cuộc thi “Đêm hội Mường”  bọn trẻ bỗng hân hoan náo nức, những nụ cười rạng rỡ như bông hoa bung nở sau cơn gió ấm mùa xuân. 
 
Đây là một trong nhiều hoạt động của nhà trường, nhằm giáo dục, giữ gìn, phát huy và tôn vinh văn hóa truyền thống dân tộc. Và hơn cả là ý nghĩa của việc truyền lửa cho tình yêu văn hóa, bản sắc của con em dân tộc. Với cách tổ chức đêm hội dưới hình thức cuộc thi và có sự kết hợp tham gia của phụ huynh học sinh, đã tạo nên một hiệu ứng tinh thần lan tỏa, mang tính cộng đồng đúng như bản chất của hoạt động văn hóa mường.
 
Và thế là từ buổi chào cờ ấy, cả trường như một bản mường bắt đầu mùa hội. Sáng sáng thầy trò ríu rít lên lớp. Chiều và sau các giờ tự học buổi tối, sân trường lại rộn ràng náo nhiệt. Tám lớp, mỗi lớp tự tìm cho mình một  góc không gian riêng để tập luyện và làm công tác chuẩn bị. Các cha mẹ học trò cơm đùm cơm nắm, vác theo đoạn gỗ, khúc luồng, con dao, cái cưa, cái đục từ bản đến với con. Ấy vậy mà háo hức như chính mình đến trường vậy. Với tư cách là phụ huynh học sinh, tôi đến trường của con những trưa chiều, những tối để được cảm nhận không khí tuyệt vời mà các em học sinh nơi đây đang từng ngày đón nhận. Với ba nội dung thi chính: Làm cây bông, hát xường, và múa Pồn Pôông, thì mười ngày là quỹ thời gian khá gấp rút, làm cho mỗi ngày qua đi đều trở nên chật chội, tất bật...
 
Khắp sân chính đến sân vận động, sân kí túc, sân khu tập thể, tất cả các góc trường, bóng cây, nơi nào cũng có tiếng lóc cóc của dao búa, đục đẽo, chặt chẻ, đóng dựng làm cây bông. Các bác phụ huynh tay vừa làm, miệng vừa dạy cho bọn trẻ, nào nguồn gốc ý nghĩa của cây bông, nào phải dùng nó như thế nào... Thi thoảng xen những câu hỏi, câu cười đùa, câu chuyện tếu làm không khí mọi ngóc ngách khắp sân trường lúc nào cũng rộn rã. Chẳng biết bọn trẻ hiểu được đến đâu những điều ấy, nhưng hứng khởi sốt sắng lắm. Đứa nào cũng muốn tự tay mình làm được một bông hoa gỗ treo lên cây bông, hay một việc gì đó cho phần thi của lớp mình. Học trò nào cũng muốn thể hiện mình là một đứa con, mang trong mình dòng máu của mường, của núi. Rồi tiếng í a í ời của những “nghệ nhân nương rẫy”, dạy con cháu mình học từng câu Đang Xường. 
 
Những điệu xường mềm như khói, ngọt như nước mó, làm lòng người lắng lại bao yêu thương nguồn cội. Và tưng bừng hơn cả là lúc tập múa Pồn Pôông. Trong văn hóa cộng đồng người mường, thì đây là một hình thức trò diễn hay nhất, náo nhiệt và đặc trưng nhất, nó là hồn cốt của bất cứ cuộc hội Mường nào. Ở đó có sự kết hợp nghệ thuật hát Xường Đang, đánh cồng chiêng, múa diễn với khăn xèng xung quanh cây bông. Bài múa thể hiện sự gắn kết con người với nhau, sự phồn an của cuộc sống và giao hòa tâm linh an tĩnh. Tôi cứ mải mê cuốn mình theo lũ trò nhỏ, để nghe chúng hát, chúng cười và thao thao bao chuyện. Cháu Phạm Thị Hiền học sinh lớp 6b, năm đầu xa nhà còn nhiều bỡ ngỡ, mỗi lần xuống cầu thang để về trường lại bịn rịn, rưng rức nỗi niềm luyến nhớ nhà, nhớ bản. Thế mà không khí của cuộc thi đã lấp mất những cảm giác ấy tự lúc nào. Cháu cười thích thú bảo: “Từ hôm cùng các bạn chuẩn bị cho hội thi, con quên mất buồn rồi, không còn đòi theo chân mế về  mỗi lần mế đến thăm nữa, ở trường con nghe như đang ở bản với bố mế, anh chị vậy thôi”. 
 
Ngôi trường những ngày đầu giêng như một vùng mường vào hội, mỗi lớp với mỗi góc sân rộn rã ấy như một bản nhỏ và thầy trò nơi đó đang sống với nhau bằng cuộc sống, tình yêu, văn hóa gia đình, làng bản. Ngày ngày chiêng trống, hát múa. Ngày ngày quây quần khâu Còn, khâu khăn, tập múa rặng, tập chơi đánh gối, ném Còn, tập hát Xường Đang và diễn các trò dân gian. Cha mẹ của học trò ở bản cao, làng gần cứ hân hoan sớm sớm đến trường, lại phấn chấn ra về như khách mường xa qua hội mỗi đêm. Tiếng chiêng, tiếng cồng dát lên vách núi Ba Voi rơi đầy nương bãi, làm con sông Cầu Chày gầy guộc mùa heo nước cũng biết trong hơn, chảy nhanh hơn, hối hả về phía nào xa lắm như để chia niềm vui tới trăm ngả quê hương. Ngôi nhà sàn truyền thống nằm giữa sân trường chẳng khi nào thôi đỏ lửa, làm cho không khí nơi đây càng gần gũi, thân thương như một bản mường. 
 
Mười ngày tất bật qua nhanh trong hứng khởi, ngóng trông. Và đêm rằm tháng giêng đến như lời xuân hẹn. Từ buổi chiều, phụ huynh đã tấp nập khăn áo, cơm nắm, cơm đùm đến trường cùng các con lo công tác chuẩn bị, phụ giúp cô thầy làm sân khấu, sắp xếp sân diễn và đạo cụ. Khi hoàng hôn ngập ngừng từ phía núi, thì bên nhà sàn truyền thống bắt đầu lên đèn nổi lửa. Trên sân khấu một dàn cồng chiêng và một cây bông lớn bày ra, làm chân ai đi cũng như muốn nhảy, miệng không thôi nụ cười.
 
Các nghệ nhân Mường Rặc được mời đến khai hội bằng một dàn giao hưởng cồng chiêng dồn nhịp, dẫn dắt một giọng xường vang trong, ấm áp hòa quện. Xung quanh cây bông lớn trước sân khấu bắt đầu thoăn thoắt những bước chân theo dáng váy hoa tha thướt trong điệu múa Pồn Pôông. Cả sân trường như chung chiêng theo nhịp điệu, tiếng hò hú, dô gọi vang vọng cả một vùng mường. Và không khí sân hội đã như bùng cháy lên khi hồi trống dồn nhanh sau lời công bố của người dẫn chương trình cho phần thi diễn hội bắt đầu. Tám lớp lần lượt xen kẽ các tiết mục hát xường với múa Pồn Pôông.  Phần thi múa Pồn Pôông rôm rả  nhất vì nó cần sự tham gia của đông người, thế nên cô trò, phụ huynh đều ùa vào cùng múa, cùng nhảy.
 
Mỗi khi đến phần thi hát xường của các em học sinh, sân trường lại lắng xuống. Chừng như lòng người nghe đều dâng lên một niềm xúc động, yêu mến khôn tả khi thấy các bạn nhỏ đã biết hát những bài Xường Đang, dù chưa thật hay nhưng đã mang được âm hưởng đặc trưng của làn điệu, của hồn mường vào tiết mục. Dàn chiêng cồng lớn bé, cho âm vực giai thanh khác nhau, việc thể hiện được nó cũng là cả một nghệ thuật, cần lắm sự đam mê yêu quý. Thế nhưng, sau từng ấy ngày tập luyện và phải chăng vì đã chảy sẵn trong mình dòng máu rừng núi, bản mường nên nhiều bạn học sinh nam đã thể hiện khá thành công và ấn tượng phần diễn này. Trên sân diễn, người tham gia thi rộn ràng tưng bừng bao nhiêu, khán giả xung quanh cũng dô hò náo nhiệt bấy nhiêu. Đêm ấy lất phất mưa bay nhè nhẹ, nhưng lòng tháng giêng đã ấm tự lúc nào trên hàng trăm gương mặt rạng rỡ.
 
Đêm hội tưởng chừng sẽ chùng xuống, sẽ hẫng đi khi phần chấm điểm là phần kết thúc. Bất ngờ  sân khấu tắt điện, ngay lúc ấy vang lên lời gọi lửa của người dẫn chương trình. Một đốm lửa nhỏ từ trên cao được thả xuống, vừa chạm vào đống củi lớn đã được sắp sẵn giữa sân, ngọn lửa lớn bùng lên, tiếng dô bung vào màn đêm,  lan khắp một góc trời Mường Lai.  Theo tiếng dô vang, lửa mỗi lúc một bốc rực  bùng bùng. Quanh lửa, cô trò, phụ huynh của tám lớp hòa vào nhau cùng nhau nhảy múa, hát hò theo nhịp điệu chiêng cồng. Những cái nắm tay thân thiết, những câu xường thương mến, những ngụm rượu cần nồng ngọt làm cho tình cảm giữa cô thầy và phụ huynh, giữa gia đình và nhà trường xiết lại thật gần gũi như tình bản nghĩa mường. 
 
Khi lửa khuya tàn, cuộc vui ngấm chung chiêng men xuân thì cũng là lúc hội tan, cuộc thi bế mạc. Lũ trò bịn rịn chào cha mẹ đem theo nguyên vẹn sự vui thích ríu rít kéo nhau về kí túc ngủ. Các phụ huynh còn lưu luyến, bịn rịn lâu mãi mới chia tay được thầy cô và ngôi trường. Tôi biết chẳng riêng tôi, mà tất cả những ai đã tham dự đêm hội mường ấy đều còn lâng lâng những cảm xúc khôn tả khi giã hội trở về. 

<

Tin mới nhất

Kinh nghiệm xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp ở xã miền núi(16/04/2024 9:20 SA)

Ngọc Lặc xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong XDNTM(16/04/2024 9:17 SA)

Bí thư Huyện ủy Phạm Tiến Dũng kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện phong trào “Ngày chủ...(16/04/2024 9:14 SA)

Đồng chí Bùi Huy Toàn, Chủ tịch UBND huyện đi kiểm tra phong trào ngày Chủ nhật sạch(16/04/2024 9:08 SA)

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phạm Văn Thiết kiểm tra kết quả thực hiện phong trào...(16/04/2024 9:04 SA)

Hấp dẫn Hội thi an toàn giao thông tại trường mầm non Vân Am(15/04/2024 9:00 SA)

LĐLĐ huyện Ngọc Lặc chăm lo nâng cao đời sống cho đoàn viên, người lao động(14/04/2024 10:57 SA)

Tuyên truyền nâng cao nhận thức, khả năng tiếp cận pháp luật cho cán bộ, công chức và bà con Nhân...(11/04/2024 10:48 SA)

°