Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
361 người đã bình chọn
631 người đang online

Lễ Pồôn Pôông, một loại hình sinh hoạt văn hóa độc đáo ở miền núi Thanh Hóa

Đăng ngày 28 - 05 - 2018
100%

Lễ Pồôn Pôông (PP) ở miền núi Thanh Hóa có cả ở dân tộc Mường và Thái. Với các vùng người Thái PP được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như Chá chiêng, Chá mùn, Sàng khàn... Loại hình sinh hoạt văn hóa này đã được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia cho Lễ Pồôn Pôông ở Cao Ngọc - Ngọc Lặc và Lễ Chá chiêng ở Rôộc Răm - Như Thanh. Nhưng ở Thanh Hóa còn nhiều loại PP khác.

Xét về nội dung và hình thức thì lễ PP ở miền núi Thanh Hóa có 2 loại lớn là Lễ Pồôn Pôông để tri ân thần sư và các thầy thuốc (Lễ PP, có trò chơi dân gian có bà máy hay ông Đồng hướng dẫn;  Lễ PP, có cuộc hát xường đối đáp giữa bà máy với các con mày, con nuôi) và Lễ Pồôn Pôông để giải oan - chiêu tuyết cho những mối hận tình.

I. Loại Pồôn Pôông tri ân thầy thuốc có trò chơi.

Xưa kia ở các làng bản miền núi, khi dân ốm đau phải nhờ đến các ông, bà thầy thuốc. Các ông bà này có người chỉ lấy thuốc nam, nhưng có người vừa lấy thuốc vừa đơm cúng. Người được chữa khỏi bệnh xưng là con - con mày, con nuôi. Còn các thầy, bà được gọi là bố mẹ. Các bố mẹ này để hành nghề được phải có tổ sư, thần sư. Thần sư ở loại PP này, đối với người Mường là vị vua ở núi Tản Viên Ba Vì. Còn ở người Thái là các thần ở trên trời. Lễ được tổ chức tại nhà các thầy, bà, vào ngày rằm tháng giêng hoặc rằm tháng bảy hàng năm. Một trong ngày này, theo hẹn các con mày, con nuôi sáng sớm đã mang lễ vật đến nhà thầy. Trước giường thờ là một cây bông (hoa) gỗ. Thân cây bông là một cây luồng có đục lỗ theo bậc để cắm hoa. Hoa được gọt, tỉa từng cây chạng bạng đã được hái về phơi một vài nắng. Sau đó nhờ người gọt tỉa thành những cái hoa như hoa đồng tiền. Những bông hoa này được quét, nhuộm màu: đỏ, vàng, xanh... cắm vào các que tre được vót heo, mềm mại và được cắm vào các lỗ cây luồng. Trên các bông hoa này còn được gọt đẽo các hình dụng cụ sản xuất như cày bừa... Trên đỉnh cây hoa có vòng tròn có xâu các bông hoa, tượng trưng cho trời tròn, đất vuông. Buổi lễ diễn ra ngắn gọn và đơn giản. Thầy hay bà đồng chỉ khấn mời các ngài tổ sư về dự lễ,  chứng minh lòng thành và phù hộ. Các con mày vào lễ tạ. Sau đó là bữa cơm thân mật được dọn ra, các con mày, con nuôi cùng ngồi lại ăn cơm chung.

Lễ PP này được sôi động lên và vui vẻ sau bữa cơm chung của con mày, con nuôi với bố mẹ. Lúc này trống dàm nổi lên rộn rã. Rượu cần được vần ra giữa nhà. Có người hát xường kể sự tích. Rồi con mày, con nuôi mời cha mẹ vào uống rượu, lần lượt đến các con. Rượu cần xong đến các trò chơi, múa hát xung quanh cây bông. Ngày nay tất cả các trò chơi sau lễ kể cả cây bông đều trồng ở sân và cuộc vui chơi do bà đồng hướng dẫn đều diễn ra ở đây. Nội dung các trò chơi gồm có sự mô phỏng các hoạt động sinh hoạt của dân gian trong sản xuất nông nghiệp: cày cấy, tát nước, gặt hái, xay giã, dần sàng gạo, hoặc săn bắn, đánh bắt  hái lượm.  Các trò chơi khác mang tính thể thao: đi cà khoeo, trò đố lá, đánh mẳng, đánh cầu, bắn nỏ... Với các trò chơi mà chủ yếu là trò nhại dân gian này, chứng tỏ lễ hội có từ rất xa xưa. Ở đó các ông ậu, bà máy xưa không chỉ  có ý làm vui để thu hút con mày con nuôi, gắn bó con bệnh với thầy thuốc mà còn là một sự truyền dạy, phổ biến kỹ năng sản xuất. Cái khéo và hấp dẫn ở các trò này là ở cách tổ chức, đạo diễn của bà đồng, làm sao tạo ra sự hấp dẫn, vui vẻ của các trò chơi...

II. Loại Pồôn Pôông tri ân thầy thuốc có hát xường đối đáp.

Lễ PP này thường thấy ở các nơi như Bá Thước, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc nhiều điểm giống với lễ PP vừa nói trên.Tri ân các thầy, bà Đồng, tổ sư. Trung tâm của lễ hội vẫn là cây bông hoa gỗ như trên. Nhưng cây bông này do con mày con nuôi tự làm từng cành đưa đến cắm vào cây bông chung. Cây bông được dựng giữa nhà, trước bàn thờ Tổ sư.

Lễ PP này trên cây bông có hình được đẽo bằng gỗ hình chim, cá, có các chùm hoa bông trăng.

Khác với Lễ PP nói trên, thời gian diễn ra lễ chỉ vào đêm rằm tháng ba khi mùa hoa bông trăng nở. Phần hội là các cuộc hát xường đối đáp giữa bà máy, ông Đồng với các con mày, con nuôi và giữa các con mày với nhau.

Nội dung nổi bật của các cuộc hát đối đáp này nói lên lòng biết ơn đối với các thầy thuốc, bà đồng, tình cảm giữa các con mày, con nuôi, trai thanh gái lịch được gặp nhau trong buổi lễ. Cuộc hát đối đáp tuy có cái sườn, cái lốt, nhưng chủ yếu là do ứng khẩu, tự sáng tác tại chỗ. Cái hay của Lễ PP có trò chơi là ở chỗ vui nhộn tự nhiên. Còn cái hay của Lễ PP có hát xường đối đáp là ở sự bộc lộ tình cảm cao khiết với những lời hay, ý đẹp. Cuộc hát xường đối đáp của hội có sáo ôi, đụng ống như đệm cho cuộc xường.

Sau khi làm lễ, thì cuộc vui cũng được diễn ra. Vào cuộc, mở đầu bà đồng thay tổ sư, thay mặt bố mẹ cảm ơn con mày, con nuôi đã đến dự lễ và mời mọi người cùng lên nhà chơi bông, chơi hoa cùng vui với bố mẹ. Một giọng xường của một cô gái trẻ cất lên đỡ lời mời:

Hôm nay rằm trăng sáng tháng ba/ Con thong thả đến chơi bông chơi hoa/ Cùng đức khang cha, bố mẹ

Nhưng con còn nhường nhất, nhường nhì/ Cho trai hàng phủ, gái hàng huyện.

Rồi những chàng trai cô gái đến dự lễ chào bố mẹ:

Con xin ngõ lời chào/ Con xin trao lời chúc

Với đức bố mẹ khang cha/ Tươi đẹp mãi như cành bông hoa rực rỡ.

Những con mày, con nuôi, trai thanh gái lịch nhìn thấy cây hoa đã hết lời khen ngợi:

Cây bông hoa lung linh/ Bồng bềnh như áng mây chiều

Những đóa hoa thật đáng yêu/ Và: không rõ bàn tay ai đã gọt, đã chuốt?

Có lẽ được khen, cha mẹ càng vui, mời các con vào uống rượu cần. Nhưng các con còn ngần ngại,  bố mẹ lại ân cần mời mọc. Chưa hết tiệc rượu, bố mẹ và trai làng lại mời trai hàng phủ, gái hàng huyện vào chơi trò đụng ống cho vui.

Nghe tiếng đụng ống/ Con rết cũng vểnh râu cằm để nghe

Con le le bay về bịn rịn/ Con ốc, con hến cũng bỏ bến đến đây.

Cuộc vui nào rồi cũng phải tàn. Nhưng ở đây hoa không tàn mà chỉ đi biến hóa. Những bông hoa con mày tặng thần sư, bố mẹ nên nó không tàn, mà:

Bông hoa biến nên ngôi sao tốt lành/ Ngôi sao xanh

Trên bầu trời cao vời vợi.

Và trước hoa biến hóa, các chàng trai cô gái như ngỡ ngàng nuối tiếc, chờ mong:

Em ơi! Hoa biến đi đâu/ Với trăng khuyết trăng tròn

Còn có ngày cho tình đôi ta gặp lại?

Trước buổi chia tay, bố mẹ tặng hoa cho các con. Trai thanh gái lịch được hoa cũng tặng cho nhau. Phút chia tay đã đến, các con  chào về, dặn dò:

Ra về em đi ruộng đi nương/ Em đừng vội nghĩ chốn riêng

Để cành hoa thiêng/ Nên sầu nên muộn...

Trả lời chàng trai, cô con gái đáp lại khá ý nhị:

Mai ngày anh về/ Đi ruộng đi nương ngồi bóng râm

Nghe con chim khách mách thầm/ Hẹn cuộc Pồôn Pôông năm sau ta gặp lại.

(còn nữa)

<

Tin mới nhất

Kinh nghiệm xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp ở xã miền núi(16/04/2024 9:20 SA)

Ngọc Lặc xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong XDNTM(16/04/2024 9:17 SA)

Bí thư Huyện ủy Phạm Tiến Dũng kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện phong trào “Ngày chủ...(16/04/2024 9:14 SA)

Đồng chí Bùi Huy Toàn, Chủ tịch UBND huyện đi kiểm tra phong trào ngày Chủ nhật sạch(16/04/2024 9:08 SA)

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phạm Văn Thiết kiểm tra kết quả thực hiện phong trào...(16/04/2024 9:04 SA)

Hấp dẫn Hội thi an toàn giao thông tại trường mầm non Vân Am(15/04/2024 9:00 SA)

LĐLĐ huyện Ngọc Lặc chăm lo nâng cao đời sống cho đoàn viên, người lao động(14/04/2024 10:57 SA)

Tuyên truyền nâng cao nhận thức, khả năng tiếp cận pháp luật cho cán bộ, công chức và bà con Nhân...(11/04/2024 10:48 SA)

°